Berlin (EAST SEA) Thứ Năm, Tháng Một 16th, 2020 / 00:08

Putin triển khai việc chuyển giao quyền lực

Thứ Tư 15.01.2020, Tổng thống Nga Vladimir Putin có bài phát biểu trước quốc dân. Ông đề xuất thay đổi hiến pháp và đột nhiên chính phủ của ông từ chức. Đây là một phần kế hoạch nhằm phục vụ mục tiêu: Duy trì quyền lực sau nhiệm kỳ Tổng thống của ông.

Putin là người luôn tạo ra bất ngờ. Ngay cả việc ông đột nhiên tuyên bố sẽ nói chuyện với quốc dân đồng bào nhân dịp đầu năm vào thứ Tư đã làm cho chính trường náo loạn. Tại sao ông chủ điện Kremlin lại muốn phát biểu sớm thế? Có ý gì đây?

Đến chập tối thì mọi việc đã rõ ràng và ngày 15.01.2020 sẽ được ghi vào lịch sử nước Nga vĩ đại. Đó là ngày Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất thay đổi Hiến pháp, để làm sao sau khi ông không còn giữ chức Tổng thống theo Hiến pháp hiện hành chỉ còn 4 năm nữa, tức năm 2024 là năm cuối nhiệm kỳ, vẫn nắm được quyền lực. Putin đang tạo ra bước quá độ cho việc chuyển giao quyền lực. (nhiệm kỳ Tổng thống Nga 1993 – 2012 là 4 năm, từ 2012 trở đi là 6 năm).

Putin tuyên bố đề xuất thay đổi 11 điểm Hiến pháp trong bài phát biểu của mình trước 1300 chức sắc đại diện cho các tầng lớp nhân dân. Đây là một danh mục gồm đầy đủ các biện pháp được thiết kế để bảo vệ quyền lực của Putin: (những điểm cơ bản)

  1. Nhiệm kỳ của Tổng thống: Được giới hạn bởi 2 nhiệm kỳ Quốc hội chứ không phải tại nhiệm 2 nhiệm kỳ liên tục. Nếu điều này được thông qua thì thời gian tại vị của người kế nhiệm Putin sẽ bị hạn chế.
  2. Nguyên thủ quốc gia phải là ngưởi ở trong nước: Bất cứ ai muốn trở thành Tổng thống Nga phải ở trong nước ít nhất 25 năm trước khi ứng cử thay vì 10 năm. Ngoài ra, ứng cử viên Tổng thống không được sở hữu hộ chiếu nước ngoài. Nhà tài phiệt Mikhail Khodorkovsky hay lớn tiếng phê phán chính sách của Kremlin sẽ không được phép ra tranh cử vì ông này hiện đang sống ở London. Putin đang thu hẹp phạm vi và số lượng nhân tuyển có tiềm năng tranh cử trong tương lai.
  3. Quyền lực được chuyển sang cho Duma: Trong tương lai, quốc hội bổ nhiệm thủ tướng, phó thủ tướng và các bộ trưởng. Cho đến nay, việc này được thực hiện bởi Tổng thống. Bổ nhiệm các vị trí quan trọng của các cơ quan an ninh Tổng thống phải bàn với chủ tịch quốc hội. Với điều luật này Putin làm giàm quyền của Tổng thống kế nhiệm.
  4. Hạn chế việc áp dụng luật pháp quốc tế: Trong tương lai Luật pháp quốc tế chỉ có thể được áp dụng “nếu nó không mâu thuẫn với hiến pháp của chúng ta”. Thông qua điều luật này Putin có khả năng đạt được quyền miễn trừ, ví dụ như trong các hành động của ông chống lại Ukraine, đặc biệt là trong việc sáp nhập bán đảo Crimea.
  5. Cơ quan lập hiến mới: Bao gồm Hội đồng Nhà nước, Tổng thống, các Thống đốc (tương đương với Thống đốc Bang ở Đức) và các quan chức hàng đầu, được trao tư cách lập hiến. Cho đến nay, Hội đồng này chỉ mang ý nghĩa trang trí – Tuy nhiên quyền hạn của Hội đồng này trong tương lai là những gì thì chưa rõ ràng.

Có phải Putin chọn mô hình này để bảo đảm quyền lực, liệu ông có muốn trở thành Thủ tướng một lần nữa hay chọn một con đường hoàn toàn khác…? Đến nay mà nói, vẫn chưa có gì rõ ràng sau bài phát biểu đầu năm mới trước quốc dân của ông hôm thứ Tư. Nhưng thực tế cho thấy, sự „không rõ ràng“ là một phần trong sách lược của Putin.

Điêu bất ngờ tiếp theo là Thủ tướng Dimitrij Medvedev cùng với nội các của ông xin từ chức.

Theo giới quan sát thì đây là động tác mở rộng đường cho Putin thực hiện cải cách chính sách cai trị.

Người kế vị của Medvedev là Mikhail Mishustin người đứng đầu cơ quan quản lý thuế nhà nước, một nhân vật ít được biết đến. Putin đã xuất hiện cùng ông trên truyền hình nhà nước ngay sau đó.

 

Lê Hoàng

Aufrufe: 7

Related Posts