Berlin (EAST SEA) Thứ Ba, Tháng Ba 10th, 2020 / 16:42

Bản đồ thế giới ‘phiên bản TQ’

Nhiều quốc gia có tranh chấp biên giới với các nước láng giềng sẽ luôn có bản đồ quốc gia phản ánh những lập trường của riêng họ. Tuy nhiên riêng Trung Quốc đã đưa điều này lên một mức khác thường, bằng cách lập ra một chiến dịch để đảm bảo rằng, hầu hết các bản đồ trên thế giới đều hiển thị ranh giới của Châu Á theo cách mà Bắc Kinh muốn.

Trong nhiều thập niên, Trung Quốc và Ấn Độ đã tranh chấp nhau về bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, mà Trung Quốc gọi là “Nam Tây Tạng”, và nó cũng là nguyên nhân khiến 2 quốc gia đông dân nhất thế giới xảy ra một cuộc chiến vào năm 1962.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tranh chấp với Việt Nam, Đài Loan, Philippines và các quốc gia khác về chủ quyền trên Biển Đông, đồng thời tranh chấp với Nhật Bản và Hàn Quốc về phạm vi vùng đặc quyền kinh tế tại Biển Hoa Đông.

Theo tờ Daily Mail, vào năm 2019, Hải quan Trung Quốc đã tịch thu và hủy gần 30.000 bản đồ thế giới được cho là ‘có vấn đề’, vì chúng vẽ các đường ‘biên giới sai’, trong đó mô tả Đài Loan là một quốc gia độc lập và ‘miêu tả sai’ biên giới Trung – Ấn ở rìa cao nguyên Tây Tạng. Các bản đồ này sau đó được tiêu hủy tại một địa điểm bí mật ở thành phố Thanh Đảo trước khi xuất khẩu sang nước khác.

Các công ty trên toàn thế giới thường chọn Trung Quốc để in bản đồ do chi phí thấp. Sau khi Bắc Kinh lập ra quy định rằng, bản đồ và quả địa cầu sản xuất tại Trung Quốc sẽ thể hiện các đường biên giới theo quyết định của chính phủ nước này, gần như tất cả các bản đồ được xuất khẩu từ Trung Quốc đều cho thấy bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ và Biển Đông là một phần của lãnh thổ Trung Quốc. Vì vậy, khi mua bản đồ ở Hoa Kỳ, Thụy Điển, Iran, hoặc bất cứ nơi nào khác trên thế giới, có thể chúng ta sẽ mua phải bản đồ phiên bản Trung Quốc.

 Một kiến ​​nghị trên trang Change.org cho biết: “Đây là cuộc chiến bản đồ của Trung Quốc. Mục tiêu của họ là dần dần thay đổi cách người Mỹ nhìn nhận lãnh thổ hợp pháp của Trung Quốc. Các công ty như Oregon Scientific và Discovery Education hiện đang bán các quả địa cầu do Trung Quốc sản xuất tại Mỹ, dạy cho trẻ em Mỹ những tuyên bố lãnh thổ sai lầm của Trung Quốc. Đừng để Trung Quốc thành công trong ‘cuộc chiến bản đồ’. Đừng để thế hệ người Mỹ tiếp theo bị lừa bởi tuyên truyền này”. Kiến nghị yêu cầu Nghị viện Mỹ thông qua một đạo luật cấm nhập khẩu bản đồ và quả địa cầu được sản xuất tại Trung Quốc và đến ngày 9/3 đã thu được hơn 11.000 chữ ký.

Trước đó, vào tháng 2, Awa Press, một nhà xuất bản từ New Zealand, đã phải trì hoãn việc xuất bản một cuốn sách vì các bản đồ ở Nam Cực cần phải được chính quyền Trung Quốc chỉnh sửa.

“Chúng tôi sẽ phải suy nghĩ về việc chúng tôi có nên tiếp tục in ở Trung Quốc hay không. Máy in ở các nước khác cũng là máy in tốt và sẽ không yêu cầu thêm thời gian… Tôi cảm thấy tiếc cho các nhà in ở Trung Quốc vì tôi chắc chắn họ sẽ mất khách hàng vì điều này”, Mary Varnham, Tổng biên tập của Awa Press, nói với trang Inkstone.

Quy tắc tất cả các bản đồ được xuất bản tại Trung Quốc phải được Cục Khảo sát và Bản đồ Nhà nước phê duyệt được áp dụng vào năm 2018. Các bản đồ không đáp ứng các tiêu chí sẽ bị sửa đổi trước khi được xuất bản và xuất khẩu. Các nhà xuất bản từ chối thực hiện sẽ không được cấp phép để in sách ở Trung Quốc.

BDN

Aufrufe: 8

Related Posts