Berlin (EAST SEA) Thứ Hai, Tháng Sáu 1st, 2020 / 22:33

Chủ tịch TQ tiếp tục yêu cầu quân đội tăng cường huấn luyện, chuẩn bị cho chiến tranh

Phát biểu bên lề kỳ họp thứ 3, khóa 13 của Đại hội Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (NPC), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (26/5) yêu cầu quân đội nước này tăng cường huấn luyện, chuẩn bị cho chiến tranh và xử lý các tình huống phức tạp đúng lúc và hiệu quả.

 

Ông Tập Cận Bình đưa ra yêu cầu trên trong phiên họp với phái đoàn thuộc Quân giải phóng Nhân dân và Lực lượng cảnh sát vũ trang nhân dân tại kỳ họp thường niên của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (tức quốc hội) Trung Quốc đang diễn ra ở Bắc Kinh. Ông Tập còn yêu cầu quân đội Trung Quốc bảo vệ cái gọi là “chủ quyền quốc gia, an ninh và các lợi ích phát triển” cũng như đảm bảo sự ổn định chiến lược tổng thể của nước này; nhấn mạnh cần phải khám phá những cách huấn luyện theo tình hình kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Covid-19, tăng cường chuẩn bị cho các cuộc đấu tranh quân sự, thực hiện linh hoạt huấn luyện tác chiến và nâng cao một cách toàn diện khả năng thực hiện các sứ mệnh quân sự.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Trung Quốc cũng đánh giá cao nỗ lực cũng như đóng góp của quân đội Trung Quốc trong việc kiểm soát và phòng ngừa Covid-19. Ông nói rằng dịch bệnh có tác động sâu sắc tới sự phát triển và an ninh của Trung Quốc; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được những mục tiêu và sứ mệnh tăng cường quốc phòng và lực lượng vũ trang cho năm 2020 trong lúc duy trì kiểm soát Covid-19 hiệu quả.

Trong vài năm trở lại đây, ông Tập Cận Bình đã nhiều lần đưa ra yêu cầu quân đội tăng cường huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Theo đó, phát biểu trong chuyến thị sát Quảng Đông, Tổng tư lệnh quân đội Trung Quốc Tập Cận Bình (25/10/2018) đã yêu cầu Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam, vốn có nhiệm vụ giám sát Biển Đông và Đài Loan, “phải tăng cường chuẩn bị để sẵn sàng ứng chiến, tăng cường diễn tập chung và diễn tập tác chiến để tăng khả năng chiến đấu và chuẩn bị cho chiến tranh”; cho rằng Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam phải gánh vác một “trách nhiệm quân sự nặng nề”, phải “nắm vững mọi tình huống phức tạp và dựa trên đó để đề ra các kế hoạch khẩn cấp phù hợp”, đồng thời ca ngợi quân nhân khi cho rằng “Các bạn đã liên tục làm việc ngoài tuyến đầu, đóng vai trò quan trọng trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các lợi ích biển. Tôi hy vọng các bạn có thể hoàn tất các sứ mạng thiêng liêng ấy”.

Tại một phiên họp Quốc hội Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (20/3/2018) tuyên bố: “Bất cứ hành động nào nhằm chia cắt Trung Quốc chắc chắn sẽ thất bại, gặp phải sự lên án của mọi người cũng như sự trừng phạt của lịch sử; Người dân Trung Quốc đã luôn kiên cường và bất khuất, chúng ta có đủ ý chí để chiến đấu đẫm máu với kẻ thù cho đến cùng”; đồng thời ông Tập Cận Bình cũng tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng “chiến đấu đẫm máu” cho vị trí chính đáng của mình trên trường quốc tế.

Trước đó, tại cuộc tổng diễn tập quân sự toàn quân năm 2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (3/1/2018) kêu gọi: “Chúng ta phải xây dựng một quân đội hùng mạnh, sẵn sàng đợi lệnh, sẵn sàng chiến đấu và giành chiến thắng trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào”.

Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình liên tục yêu cầu tăng cường huấn luyện quân đội và kêu gọi binh lính sẵn sàng chiến đấu diễn ra trong bối cảnh quân nhân Trung Quốc bị chỉ trích là thiếu đào tạo bài bản bằng các chương trình huấn luyện tiên tiến, hiện đại và thiếu năng lực tác chiến, cũng như kinh nghiệm trong chiến tranh.

Để khắc phục một phần điểm yếu, từ năm 2015 cho tới nay PLA cải cách cấu trúc toàn diện mạnh mẽ nhất kể từ những năm 1950. Các cải cách này có tác động sâu rộng tới cấu trúc, cũng như phương thức điều hành và chỉ huy của PLA. Có thể kể tới việc loại bỏ bốn tổng cục cũ và tái cấu trúc bảy đại quân khu trở thành các chiến khu và bộ chỉ huy tác chiến hỗn hợp. Quy trình chỉ huy và kiểm soát cũng được làm mới nhằm tránh chồng chéo. Trong hệ thống chỉ huy mới, Quân ủy Trung ương giữ quyền lãnh đạo tối cao, tư lệnh các chiến khu đóng vai trò là chỉ huy tác chiến, trong khi các quân binh chủng chỉ giữ nhiệm vụ phát triển lực lượng. PLA cũng thành lập hai lực lượng mới, cho thấy rõ tầm quan trọng của khoa học công nghệ và của các thành tố mới trong chiến tranh hiện đại: Biến lực lượng tên lửa chiến lược trở thành một quân chủng độc lập có bộ chỉ huy riêng và thành lập quân chủng hỗ trợ chiến lược bao gồm các bộ chỉ huy về tác chiến không gian và trên mạng.

Tuy nhiên, các thách thức khác vẫn còn ở trước mắt. Thách thức lớn nhất với quân đội Trung Quốc là sự thiếu vắng kinh nghiệm tác chiến. PLA chưa từng tham gia vào một cuộc chiến thật sự nào kể từ năm 1979. Điều này có khả năng làm giảm đi tính hiệu quả của quá trình hiện đại hóa và tái cấu trúc đang diễn ra trong PLA. Ngoài ra, PLA còn thiếu vắng kỷ luật cũng như vấn đề tham nhũng trong quân đội. Thách thức này hiện rõ qua công cuộc chống tham nhũng mạnh mẽ của ông Tập Cận Bình trong suốt những năm vừa qua nhắm vào các quan chức cấp cao của quân đội. Không những vậy, mặc dù đã đầu tư rất lớn để hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là không quân và hải quân, vẫn còn những điểm nghẽn rất lớn mà PLA phải vượt qua. Công nghệ động cơ máy bay là ví dụ điển hình. Bên cạnh đó là cạnh tranh với các cường quốc khác trên không gian mạng và vũ trụ. Cần phải nhớ rằng đầu tư cho quốc phòng là khoản đầu tư cực kỳ tốn kém.

Ngoài ra, vấn đề Đài Loan và việc cộng động quốc tế, nhất là Mỹ và các nước đồng minh tăng cường các hoạt động tuần tra tự do hàng hải và hiện diện quân sự ở Biển Đông nhằm ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc cũng khiến Bắc Kinh lo ngại. Thông qua việc yêu cầu quân đội tăng cường huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu cũng được cho là thông điệp cứng rắn của ông Tập Cận Bình muốn gửi tới Mỹ và các nước đồng minh. Các chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận định những động thái nhằm củng cố thanh thế quân đội gần đây của Bắc Kinh là thông điệp gửi tới Đài Loan, và cũng là phản ứng trước chính sách ngày càng cứng rắn hơn về thương mại, chính trị và quân sự của Mỹ.

Ni Lexiong, một chuyên gia quân sự ở Thượng Hải, cho rằng những động thái này của Bắc Kinh dường như là một lời cảnh báo cho bất cứ lực lượng nào cản trở kế hoạch của Trung Quốc nhằm thống nhất Đài Loan. Ông Tập nói rằng ông muốn thống nhất Đài Loan “một cách hòa bình” nhưng rất ít chuyên gia cho rằng Bắc Kinh sẽ giảm bớt sức ép quân sự lên hòn đảo này. Trong khi đó, Yue Gang, một cựu quan chức quân đội đã về hưu của Trung Quốc, cho rằng lời kêu gọi của ông Tập dành cho quân đội không phải chỉ liên quan đến căng thẳng leo thang hiện nay giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan mà còn là sự sẵn sàng ứng phó với căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc; khẳng định Trung Quốc đang tăng cường huấn luyện quân đội để sẵn sàng cho tình huống xấu nhất liên quan đến Mỹ và tình hình ở eo biển Đài Loan. Trong năm tới, Mỹ có thể dùng Đài Loan và Biển Đông là quân bài để gây sức ép đàm phán với Trung Quốc trong chiến tranh thương mại.

Có ý kiến cho rằng trong bối cảnh tình hình căng thẳng ở Biển Đông ngày càng gia tăng và việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực, thúc đẩy quan hệ quốc phòng với các nước đồng minh (Nhật Bản, Đài Loan, Australia…) khiến Trung Quốc lo ngại sẽ bị đe dọa về “an ninh quốc gia”. Những lần ông Tập Cận Bình kêu gọi quân đội Trung Quốc chuẩn bị chiến tranh là nhằm thúc đẩy tinh thần tự hào dân tộc và nhắc lại các tuyên bố lãnh thổ (vô lý và phi pháp) của Bắc Kinh ở Biển Đông. Nhà nghiên cứu Collin Koh từ Singapore nhận định: “Đây có thể là thông điệp cho Mỹ nói riêng và bất kỳ bên nào mà Bắc Kinh đang cảm thấy khiêu khích (ở Biển Đông)”. Cùng quan điểm trên, nhà phân tích Zhou Chenming ở Bắc Kinh cho rằng “Mỹ sẽ thực hiện quyền tự do hàng hải ở Biển Đông bởi Washington không công nhận chủ quyền của Bắc Kinh đối với các đảo nhân tạo và có thể sẽ xảy ra đụng độ quân sự giữa hai nước tại vùng biển này”. Cùng quan điểm trên, Hãng tin Reuters nhận định, Trung Quốc đang tập trung tăng cường lực lượng vũ trang trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông và leo thang căng thẳng với Mỹ về các vấn đề từ thương mại đến Đài Loan.

BDN

Aufrufe: 41

Related Posts