Berlin (EAST SEA) Thứ Hai, Tháng Sáu 15th, 2020 / 15:57

Vì sao Mỹ lên tiếng trên ‘mặt trận’ pháp lý tại Biển Đông?

Mỹ phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông, bao gồm tuyên bố chủ quyền với 4 nhóm đảo và tự vẽ đường cơ sở thẳng cũng như cái gọi là chủ quyền lịch sử.

Công thư ngày 1/6

Trong công thư đề ngày 1/6 gửi lên tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ), Đại sứ Mỹ tại LHQ Kelly Craft đã yêu cầu lưu hành công thư như một văn bản chính thức gửi đến tất cả thành viên LHQ và Hội đồng Bảo an.

Bà Craft nêu rõ công thư là sự đáp lại công hàm CML/14/2019 của phái đoàn thường trực Trung Quốc tại LHQ ngày 12/12/2019.

Trong thư, Đại sứ Mỹ nhấn mạnh Washington phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông, bao gồm tuyên bố chủ quyền với 4 nhóm đảo và tự vẽ đường cơ sở thẳng cũng như cái gọi là chủ quyền lịch sử.

“Mỹ yêu cầu Trung Quốc một lần nữa tuân thủ các quy định quốc tế về tuyên bố chủ quyền như đã nêu trong Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), thực thi phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa trọng tài về Biển Đông và ngừng các hành động khiêu khích trong khu vực”, Đại sứ Mỹ “chốt” thư.

Động thái này có thể đã gây bất ngờ cho phần lớn các nhà quan sát. Để giải thích cho những động thái của mình, Mỹ tuyên bố rằng họ đệ trình thư lưu hành vì thư lưu hành của Trung Quốc khẳng định những tuyên bố chủ quyền phi pháp, xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của nhiều quốc gia.

Xét ở hầu hết mọi phương diện, những luận cứ của Mỹ trong thư lưu hành nhất quán với lập trường của Indonesia, Việt Nam và Philippines về việc Trung Quốc khẳng định quyền chủ quyền và quyền tài phán cũng như các yêu sách hàng hải ở Biển Đông. Thư lưu hành của Mỹ khẳng định rằng bất kỳ tuyên bố nào của Trung Quốc về các “quyền lịch sử” đều trái pháp luật nếu nó vượt quá giới hạn về những quyền của họ ở các khu vực hàng hải mà họ có thể tuyên bố chủ quyền theo UNCLOS.

Thư lưu hành của Mỹ cũng lưu ý rằng các yêu sách của Trung Quốc là trái pháp luật ở chỗ chúng khẳng định chủ quyền đối với những khu vực hàng hải tính từ các cấu trúc địa hình không thỏa mãn định nghĩa về “đảo” tại Điều 121 (1) của UNCLOS – đảo là một vùng đất được hình thành tự nhiên, bao quanh là biển và trên mực nước biển khi thủy triều lên. Theo UNCLOS, những cấu trúc địa hình chìm hoàn toàn dưới nước hoặc những cấu trúc địa hình nổi lên khi thủy triều xuống nằm ngoài lãnh hải tính từ một hòn đảo không đủ điều kiện để được gọi là “đảo”.

Thư lưu hành của Mỹ tiếp tục khẳng định rằng Trung Quốc không có quyền tuyên bố chủ quyền đối với những khu vực hàng hải tính từ các đảo ở Biển Đông bằng việc coi các nhóm đảo như quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam – PV) là một đơn vị tập hợp. Mỹ lập luận rằng UNCLOS quy định sử dụng đường cơ sở thông thường đối với các quần đảo nằm giữa đại dương và chỉ có những quốc đảo như Indonesia và Philippines mới có quyền vẽ các đường cơ sở thẳng nối các điểm ngoài cùng của các đảo và dải san hô ngầm xa bờ nhất của mình.

Thư lưu hành của Mỹ cũng khẳng định rằng những quan điểm trên phù hợp với phán quyết của Tòa trọng tài.

Về phía Trung Quốc, nước này có thể coi thư lưu hành của Mỹ là một nỗ lực nhằm can dự vào tranh chấp Biển Đông. Các quan chức Trung Quốc đã phản ứng công thư ngày 1/6 của Mỹ và cho rằng Washington không có quyền lên tiếng vì chưa phê chuẩn UNCLOS 1982, song lại quên mất họ đã là một bên phê chuẩn nhưng lại nhiều lần vi phạm.

Máy bay Global Hawk của Mỹ đã đến đồn trú tại Nhật Bản từ cuối tháng 5. (Nguồn: PACOM)

Mỹ lấp đầy mạng lưới trinh sát trên không

Không chỉ đẩy mạnh trên phương diện pháp lý, Mỹ gần đây cũng đẩy mạnh các hoạt động quân sự tại Biển Đông. Đài Fox đưa tin, không quân Mỹ hiện không chỉ điều động máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-1 Lancer mà còn có cả máy bay không người lái (UAV) RQ-4 Global Hawk chuyên dụng trinh sát, do thám nhằm tăng cường khả năng giám sát trước các hoạt động đáng lo ngại của Trung Quốc.

Ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) phân tích: “Global Hawk cung cấp khả năng giám sát gần như theo thời gian thực ở một khu vực rộng lớn. Nếu triển khai 3 chiếc Global Hawk luân phiên thì gần như có thể giám sát 24/7”.

Giải thích thêm, cựu Đại tá Schuster cho biết: “Dòng máy bay này được trang bị radar có khẩu độ tổng hợp lớn và kèm theo là các hệ thống hồng ngoại, quang học điện tử thu thập hình ảnh tầm xa, cũng như được hỗ trợ bằng nhiều thiết bị điện tử khác. Nhờ đó, Global Hawk không bị “mù” khi hoạt động trong điều kiện nhiều mây hay bóng tối. Loại UAV này truyền gửi dữ liệu về trung tâm điều khiển gần như tức thời để đảm bảo khả năng giám sát, phản ứng nhanh chóng”.

Chính vì thế, việc triển khai Global Hawk có thể xem là biện pháp để Mỹ lấp đầy mạng lưới trinh sát trên không ở Biển Đông, sau khi Lầu Năm Góc gần đây đã điều động các dòng máy bay trinh sát như RC-135, hay các loại máy bay trinh sát săn tàu ngầm P-3 Orion và P-8 Poseidon hoạt động ở vùng biển này./.

(theo Straits Times, Fox News)

Aufrufe: 84

Related Posts