Berlin (EAST SEA) Chủ Nhật, Tháng Tám 16th, 2020 / 22:31

Các loại vắc-xin

Vắc-xin được sử dụng để huấn luyện hệ miễn dịch nhằm chống lại các tác nhân gây bệnh. Nhiều bệnh nguy hiểm thậm chí tử vong do vi trùng tức là vi rút, vi khuẩn hoặc thậm chí là ký sinh trùng gây ra (ví dụ như trong trường hợp bệnh sốt rét). Chỉ vài giờ sau khi chích ngừa, các tế bào bạch cầu chuyên biệt của hệ miễn dịch – tế bào B và tế bào T – được kích hoạt. Và sau khoảng 15 ngày, các tế bào B trong máu sẽ giải phóng kháng thể. Chúng có thể gắn kết vào mầm bệnh được mô phỏng bằng vắc-xin. Qua đó, các kháng thể ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập vào tế bào người. Mặt khác, các tế bào T (hay còn gọi là “tế bào sát thủ”) loại bỏ hay vô hiệu hoá các mầm bệnh đó. Bằng cách này, chúng ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh và hạn chế nguy cơ biến chứng.

Để có thể tạo ra các tế bào B và T có hiệu quả chống lại một loại vi trùng cụ thể nào đó, hệ thống miễn dịch phải được học cách nhận biết một số đặc tính nhất định của vi trùng: Thường đó là những Proteine đặc trưng trên bề mặt của vi trùng. Các yếu tố đặc trưng này cũng được tìm thấy trong vắc-xin và chúng được trình bày với hệ thống miễn dịch theo những cách thức khác nhau:

  1. Vắc-xin sống, giảm độc lực: Những vắc-xin này sử dụng toàn bộ vi-rút hoặc vi khuẩn sống đã bị làm yếu đi, nó hầu như vô hại đối với những người có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh và là thứ gần gũi nhất với sự nhiễm trùng tự nhiên, do đó cực kỳ hiệu quả trong việc kích hoạt mạnh mẽ hệ miễn dịch. Dùng loại Vác-xin này không cần tiêm nhiều liều. Điều bất lợi là, những người có hệ thống miễn dịch suy yếu (người được ghép tạng hoặc những người đang điều trị ung thư…) thì không nên tiêm các loại vắc-xin này bởi vì, mặc dù nó đã bị suy yếu nhưng cơ thể họ có thể cũng không thể chống lại được. Loại này bao gồm vắc-xin MMR (sởi, quai bị và rubella) và vắc-xin thủy đậu.
  2. Vắc-xin bất hoạt: Tương tự như vắc-xin sống, vắc-xin bất hoạt sử dụng toàn bộ vi-rút, chỉ có điều chúng không còn sống. Chúng bị bất hoạt hoặc bị giết chết ở phòng thí nghiệm. Bởi vì chúng không thể sao chép và lan rộng khắp cơ thể, nên thường cần nhiều liều hơn để có được hiệu quả như kích thích bởi vắc-xin sống và đôi khi cần tăng cường liều để duy trì khả năng miễn dịch. Lợi ích là vắc-xin này rất ít tác dụng phụ và người có hệ miễn dịch yếu cũng có thể dùng được. Loại này bao gồm vắc-xin bại liệt trẻ em, viêm gan A, FSME, bệnh viêm màng não do bọ trâu (Zecke) cắn và nhiều công thức vắc-xin cúm.
  3. Vắc-xin vô bào: Là vắc-xin chỉ sử dụng các kháng nguyên chọn lọc, chẳng hạn như một phần, một mảnh hoặc một mẩu protein của mầm bệnh, để tạo ra phản ứng miễn dịch. Vì không sử dụng toàn bộ virus hoặc vi khuẩn, nên tác dụng phụ không phổ biến như với vắc-xin sống hoặc bất hoạt, nhưng thường cần nhiều liều để có hiệu quả. Bao gồm vắc-xin uốn ván, viêm gan B, bạch hầu, ho gà, HPV, cúm…
  4. Vắc-xin kết hợp: Những vắc-xin này được thiết kế để hệ miễn dịch của cơ thể nhận biết được lớp áo ngoài giống như đường bao quanh vi trùng. Trong quá trình nhiễm trùng ngoài tự nhiên, lớp này che giấu các kháng nguyên khỏi bị hệ miễn dịch của cơ thể phát hiện. Vắc-xin liên kết với lớp áo ngoài này làm lộ ra cấu trúc bên trong vi trùng tạo điều kiện cho hệ miễn dịch nhận biết tác nhân gây bệnh. Thường phải tiêm nhiều lần để đạt kết quả. Bao gồm vắc-xin chống vi khuẩn gây viêm màng não.
  5. Vắc-xin «vector»: Mã di truyền của mầm bệnh được cấy vào một loại vi rút hoặc vi khuẩn không gây bệnh cho người. Những vắc xin «vector» này chỉ sinh sản ở một mức độ hạn chế trong cơ thể người và không gây nhiễm trùng, nhưng vẫn kích thích phản ứng miễn dịch. Những loại vắc xin này là kỹ thuật mới, nhưng chúng đã được chứng minh hiệu quả trong việc chống lại bệnh Ebola và một số loại ung thư. Vắc xin “Vector” hiện đang được thử nghiệm chống lại COVID-19.
  6. Vắc-xin DNA: Đây là loại vắc-xin hoàn toàn mới. Người ta nhúng một đoạn vật chất di truyền của mầm bệnh (RNA hoặc DNA) vào một giọt dầu (liposome) và tiêm. Các nhà khoa học có thể tạo ra vắc-xin DNA chống lại vi trùng sau khi đã phân tích được Gene của chúng. Mặc dù vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, vắc-xin DNA này cho thấy tiềm năng rất lớn và một vài loại đang được thử nghiệm trên người. Vắc-xin DNA đã đưa việc tiêm chủng lên một trình độ công nghệ mới. Các vắc-xin này không quan tâm đến cơ thể vi sinh vật cũng như các thành phần của chúng mà tập trung vào thành phần quan trọng nhất: vật chất di truyền của vi sinh vật. Cụ thể, vắc-xin DNA sử dụng các Gene cấu thành tất cả các kháng nguyên quan trọng. Các nhà nghiên cứu nhận thấy khi các Gene kháng nguyên vi sinh vật được đưa vào cơ thể thì một số tế bào sẽ tiếp nhận các DNA này. Sau đó DNA sẽ giúp các tế bào tổng hợp nên các phân tử kháng nguyên. Các tế bào tiết ra kháng nguyên trên bề mặt và giúp kích thích hệ thống miễn dịch khi cần thiết. Vắc-xin DNA chống lại các vi sinh vật sẽ tạo ra phản ứng kháng thể mạnh đối với các kháng nguyên tự do được tế bào tiết ra và vắc-xin cũng kích thích phản ứng miễn dịch của tế bào chống lại các kháng nguyên trên bề mặt tế bào. Vắc-xin DNA không gây bệnh vì chúng không chứa vi sinh vật mà chỉ sao chép lại một số Gene của chúng. Ngoài ra, giá thành của vắc-xin DNA tương đối rẻ và dễ bào chế. Vắc-xin DNA trần là vắc-xin chứa DNA được đưa trực tiếp vào trong cơ thể. Vắc-xin này có thể được tiêm vào cơ thể bằng kim tiêm và xy lanh hoặc dụng cụ không có kim tiêm sử dụng khí áp lực cao để đưa các hạt vàng siêu nhỏ phủ DNA trực tiếp vào trong tế bào. Các kỹ thuật này cũng đang được sử dụng cho việc chế tạo vắc-xin chống SARS-CoV-2 (COVID-19).

 

 

Lê Hoàng biên soạn

Nguồn:

 

Aufrufe: 33

Related Posts