Berlin (EAST SEA) Thứ Năm, Tháng Tám 27th, 2020 / 11:41

Một số đặc điểm của đối đầu chiến lược mới Trung – Mỹ

1. Cuộc đối chiến lược Trung – Mỹ là cuộc đối đầu của thế kỷ XXI với một số đặc điểm như sau:

Một là, đây là cuộc đối đầu do Mỹ phát động, xuất phát từ sự phản tỉnh chiến lược của Mỹ trước những thách thức ngày càng nghiêm trọng và bức bách mà Trung Quốc (TQ) tạo ra, đe dọa vị thế siêu cường số 1 toàn cầu của Mỹ.

Hai là, Mỹ nắm thế chủ động và TQ bị động đối phó. TQ có thể nhượng bộ và chịu thiệt hại nhiều hơn nhưng khả năng chịu đựng và ứng phó của TQ lớn hơn, có thể đánh “lâu dài hơn”. Các áp lực của Mỹ làm không gian chiến lược của TQ bị thu hẹp, lực lượng của TQ bị căng trải để ứng phó trên toàn cầu. Mỹ trở thành nhân tố cản trở chủ yếu và lâu dài nhất cho việc triển khai “chính sách nước lớn thời đại mới” của TQ.

Ba là, cuộc cạnh tranh chiến lược này có sự “đồng thuận cao” trong nội bộ Mỹ kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Cạnh tranh chiến lược lâu dài với TQ là ưu tiên cao nhất của Mỹ, đòi hỏi Mỹ phải chỉnh đốn lại các yếu tố thuộc về quyền lực quốc gia gồm ngoại giao, kinh tế, tình báo, chấp pháp và quân sự… Vai trò của phái “Diều hâu” mà đại diện là Phó Tổng thống Mike Pence, Đại diện Thương mại Robert Lighthizer, Ngoại trưởng Mike Pompeo… được trọng dụng và chiếm ưu thế, tác động mạnh vào chính sách với TQ của ông Trump.

Bốn là, trong lĩnh vực cạnh tranh, bước đầu là lấy cạnh tranh kinh tế làm chính, tiếp đến là kỹ thuật nhưng dần dần yếu tố chính trị, an ninh, ngoại giao, ý thức hệ và hệ thống giá trị càng nổi lên, tạo nên một sức ép tổng hợp với TQ.

Năm là, mục tiêu của cuộc cạnh tranh chiến lược không phải là “thôn tính” lẫn nhau vì không bên nào có đủ thế và lực để thôn tính bên kia.

Cạnh tranh Trung – Mỹ trên Biển Đông ngày càng gay gắt

2. Một số nhân tố có thể làm thay đổi mô hình, tính chất quan hệ Trung – Mỹ

Thứ nhất, sự tin cậy chiến lược lẫn nhau bị tổn hại nghiêm trọng, tạo ra không khí Chiến tranh Lạnh mới.

Thứ hai, các mâu thuẫn mang tính kết cấu nổi lên: về tương quan lực lượng, phân phối lợi ích, chế độ, hình thái ý thức hệ, hệ thống giá trị, trật tự quốc tế.

Thứ ba, mô hình chuyển từ “hợp tác và cạnh tranh cùng tồn tại” sang “cạnh tranh đóng vai trò chủ đạo”

Thứ tư, các cơ chế phối hợp Trung – Mỹ trên các lĩnh vực chính trị, an ninh – quốc phòng bị đình trệ.

Thứ năm, quan hệ kinh tế và giao lưu nhân dân giảm rõ rệt.

Thứ sáu, các bất đồng và xung đột Trung Mỹ trong các cơ chế đa phương gia tăng.

3. Dự báo quan hệ hai nước

Trong ngắn hạn, Mỹ vẫn ở thế tấn công, không ngừng gây sức ép với TQ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, ý thức hệ, khoa học kỹ thuật. Trên thực tế, quan hệ hai nước rơi vào tình trạng “chiến tranh lạnh mới”, khác biệt duy nhất so với chiến tranh lạnh cũ là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, hai bên vẫn tồn tại mô thức “hợp tác – cạnh tranh – xung đột” đan xen.

Trong dài hạn, tình hình chính trị, kinh tế xã hội của Mỹ và TQ còn có nhiều biến số. Chiến lược dài hạn của Mỹ với TQ và của TQ đối với Mỹ cũng như hướng đi của quan hệ Trung – Mỹ vẫn chưa hoàn toàn định hình. Sau bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 và Đại hội 20 của Đảng Cộng sản TQ (năm 2022) vấn đề này mới có thể đánh giá được rõ nét hơn./.

Tùng Lâm

Aufrufe: 182

Related Posts