Berlin (EAST SEA) Thứ Hai, Tháng Tám 9th, 2021 / 08:55

Chưa phải chiến lược nhưng còn hơn chiến lược (!)

Từ ngày 20 đến 26/8 tới đây, Phó Tổng thống Mỹ – bà Kamala Harris – sẽ có chuyến công du Đông Nam Á. Chuyến thăm được dư luận thế giới, nhất là các nước Đông Nam Á quan tâm. Riêng Trung Quốc thì theo dõi rất chăm chú từ khi chuẩn bị đến dự kiến chương trình của chuyến thăm, vì nó liên quan trực tiếp đến chiến lược ngoại giao của nước này.

Có nhà bình luận cho rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden đang “ném đá dò đường” bằng cách đưa các nhân vật chóp bu của Nhà trắng đi chào hỏi trước, nghe ngóng tình hình ở một khu vực nóng bỏng, sau đó mới đến lượt ông chủ có tiếng nói và hành động quyết định.

Cuối tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã mở màn chiến dịch ngoại giao Đông Nam Á của Washington. Ông đã có chuyến công du qua ba nước Singapore, Việt Nam và Philippines. Mục đích chuyến đi rất rõ ràng: Mong muốn thúc đẩy những mối quan hệ an ninh ngày càng sâu sắc hơn với các quốc gia này.

Còn chuyến đi này của nhân vật số hai trong Phủ Tổng thống Mỹ cụ thể hơn một bước: Washington sẽ bàn thảo với các lãnh đạo Đông Nam Á về những vấn đề an ninh cấp bách trong khu vực, trong đó có giải pháp bác bỏ, ngăn chặn yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Đó là mục tiêu bao trùm. Cụ thể hơn, Phó Tổng thống Mỹ sẽ trao đổi với lãnh đạo các nước mà bà đến thăm về bốn vấn đề cơ bản: một, tại Singapore và Việt Nam, bà Harris sẽ là người gợi mở, làm rõ thêm những mục tiêu chính sách của Washington trong quá trình hoạch định chính sách đối ngoại; hai, dự kiến, bà Harris sẽ có các cuộc gặp với giới chức hai nước sở tại, tiếp xúc với lãnh đạo các lĩnh vực tư nhân và xã hội dân sự, nội dung thảo luận tập trung vào cam kết của Washington đối với nỗ lực thúc đẩy an ninh khu vực, những quy tắc và luật lệ quốc tế nói chung bao gồm những quy tắc và luật lệ ở Biển Đông; ba, vị khách đến từ Nhà trắng sẽ tập trung vào những mối quan hệ đối tác, đặc biệt là đối tác kinh tế giữa Mỹ và các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); bốn, tiếp tục và kiên trì “bảo vệ những giá trị của Mỹ”.

Theo tiết lộ của một quan chức Nhà Trắng: Washington không muốn thấy bất kỳ nước nào thống trị khu vực hoặc “cậy thế cậy quyền” để gây phương hại đến chủ quyền của các nước khác. Bà Phó Tổng thống sẽ nhấn mạnh đến tự do hàng hải trên toàn Biển Đông và rằng, không một nước nào cho phép mình chèn ép lợi ích của các nước khác.

Bà Phó Tổng thống Mỹ còn chưa có mặt ở Đông Nam Á, nhưng các quan chức trong khu vực đã bày tỏ quan tâm đến chuyến đi này.

Hôm 3/8, phát biểu tại Diễn đàn Anninh Aspen, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hoan nghênh các chuyến thăm cấp cao “rất giá trị” của Mỹ. Ông Lý cho rằng, đây là chỉ dấu cho thấy Washington nhận thức rất rõ, họ cần bảo vệ và thúc đẩy những lợi ích thực chất và quan trọng của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á. Có điều trong lúc quan hệ Mỹ-Trung đang trong tình trạng xấu nhất khó có thể cứu vãn thì, nhiều nước trong khu vực mong muốn Mỹ và Trung Quốc cần có giải pháp tích cực để giảm gia tăng căng thẳng, bởi các đồng minh và đối tác của Mỹ muốn duy trì quan hệ mở rộng của họ đối với cả hai cường quốc.

Đối với Việt Nam, có một câu hỏi: Hà Nội có muốn nâng tầm quan hệ hai nước từ song phương lên thành đối tác chiến lược? Trong chuyến thăm tuần trước, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin đề xuất vấn đề hệ trọng này thì ông Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc không nói gì, chỉ “cười sau khẩu trang” (bình luận của Biendong.net).

Ai cũng hiểu, Hà Nội rất muốn. Được lời như cởi tấm lòng. Nhưng Hà Nội còn sợ Bắc Kinh. Nâng cấp quan hệ lên cấp chiến lược với Mỹ thì ngang bằng với Trung Quốc à? Còn đâu là những người đồng chí, đồng hệ tư tưởng ?

Cho nên Hà Nội đành im lặng. Sau đấy, các nhà lãnh đạo Hà Nội phát biểu ở nơi này nơi kia thường có cách nói lấp lửng rằng: Lâu nay quan hệ song phương Việt-Mỹ khá toàn diện, có những yếu tố mang tính chiến lược, có mặt còn hơn một số đối tác chiến lược khác. Chính danh cũng cần. Nhưng tên gọi không phải là điều quan trọng nhất. Quyết định vẫn là tính thực chất, hiệu quả và sự bền vững của mối quan hệ.

Cách giải thích này của Hà Nội khiến cho Mỹ cũng không thể mếch lòng. Nó không phải là chuyện chơi chữ, mà là nội dung cốt lõi hẳn hoi! “Chưa phải chiến lược nhưng còn hơn chiến lược” (!)

Và như thế, Việt Nam cứ “đường xưa ta đi”, điềm nhiên hai tay bắt hai tay Trung-Mỹ.

Khi bàn chuyện nghị trường thì còn đu dây được. Còn đến lúc hành động thì mới khó. Thật là khó tứ bề. Sơ xểnh một chút là Bắc Kinh đe dọa ngay. Cho nên chuyến thăm của bà Phó Tổng thống Mỹ đến các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, hẵng cứ coi như một tín hiệu tích cực. Còn câu trả lời đối tác chiến lược Việt Nam-Mỹ thì vẫn phải hiểu là “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”.

BDN

Aufrufe: 50

Related Posts