Berlin (EAST SEA) Thứ Hai, Tháng Tám 23rd, 2021 / 21:00

Cựu Đại sứ Ted Osius: Với quan hệ Việt-Mỹ, ‘không gì là không thể’!

Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius trả lời phỏng vấn của TG&VN về chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và hợp tác song phương thời gian tới.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius phát biểu nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc khánh thứ 239 của nước Mỹ và 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Mỹ, tại TP. Hồ Chí Minh ngày 1/7/2015. (Nguồn: TTXVN)

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris dự kiến sẽ thăm Việt Nam vào tuần tới. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một Phó Tổng thống Mỹ tới Việt Nam và chuyến công du thứ hai của một quan chức nội các Mỹ tới Đông Nam Á trong chưa đầy một tháng. Điều gì khiến Việt Nam được lựa chọn, thưa ông?

Việt Nam đóng vai trò đặc biệt quan trọng với Mỹ, không chỉ do liên kết thương mại và đầu tư song phương bền chặt, mà bởi vì mối quan hệ này là minh chứng rằng hai nước từng đối đầu hoàn toàn có thể trở thành bạn thân thiết, đối tác tin cậy.

Bất kỳ ai đến Việt Nam đều ấn tượng trước tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, sự thân thiện của người dân và bề dày lịch sử, văn hóa của mảnh đất này. Hiện có hơn 2 triệu người Mỹ gốc Việt. Hợp tác giáo dục Việt-Mỹ đang phát triển mạnh mẽ.

Ngoài ra, Việt Nam nằm trong Đông Nam Á, nơi có 10 nước thuộc khối ASEAN với 662 triệu người và tổng GDP 3,200 tỷ USD. Khu vực này có ý nghĩa kinh tế đặc biệt quan trọng với Mỹ. Năm 2020, doanh nghiệp tư nhân Mỹ đã đầu tư vào ASEAN tới 388 tỷ USD – con số này bằng cả Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại.

Cũng trong năm qua, Mỹ xuất khẩu lượng hàng hóa và dịch vụ trị giá 122 tỷ USD tới các nước Đông Nam Á, khiến ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Mỹ sau Canada, Mexico và Trung Quốc.

Ngoài ra, Mỹ có lợi ích cốt lõi trong đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không trên các vùng biển và đại dương, trong đó có Biển Đông. Chính quyền Mỹ cũng có lợi ích trong duy trì tăng trưởng và thịnh vượng tại các nước ở hai bờ sông Mekong.

“Trong bối cảnh đó, Phó Tổng thống Kamala Harris rõ ràng có nhiều nội dung để thúc đẩy nhân chuyến thăm Việt Nam, nước đóng rất quan trọng với Mỹ”. (Ông Ted Osius, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam nhiệm kỳ 2014-2017)

Kỳ vọng của ông đối với chuyến thăm này?

Đây là chuyến công du nước ngoài thứ hai của Phó Tổng thống Kamala Harris. Lựa chọn Singapore và Việt Nam để dừng chân phản ánh tầm quan trọng của ASEAN với Mỹ.

Vài tuần trước, chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tới Đông Nam Á đã nhấn mạnh vào thúc đẩy hợp tác an ninh. Như vậy, tới đây, Phó Tổng thống Harris có thể thảo luận về các vấn đề vượt xa khuôn khổ hợp tác an ninh với lãnh đạo Việt Nam, bao gồm thương mại.

Bởi lẽ, mọi cam kết về an ninh và chiến lược với ASEAN đều khó thành hiện thực nếu thiếu vắng hợp tác thương mại và đầu tư.

Hầu hết nền kinh tế các nước ASEAN có định hướng xuất khẩu. Do đó, thương mại là điểm xuất phát tốt để Mỹ thể hiện cam kết với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung và để bà Harris nhấn mạnh sự trở lại của Mỹ tại Đông Nam Á nói riêng.

Doanh nghiệp Mỹ cũng hiểu rõ câu chuyện này. Các hãng công nghệ nhận thức rằng Đông Nam Á là thị trường Internet phát triển nhanh nhất thế giới, với nền kinh tế số dự kiến vượt mốc 300 tỷ USD năm 2025. Khi các nước ASEAN thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch, một phần động lực cho tăng trưởng đó sẽ đến từ kinh tế số.

Tương tự, Việt Nam đã nhiều lần thể hiện mong muốn xây dựng, thúc đẩy nền kinh tế số. Đây là nội dung Phó Tổng thống Harris có thể khai thác nhân chuyến thăm tới.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius tin rằng Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris có thể làm được rất nhiều việc trong chuyến thăm Việt Nam. (Ảnh: Reuters)

Một lĩnh vực quan trọng của hợp tác Việt-Mỹ thời gian qua là phòng chống đại dịch Covid-19. Đây cũng là một trọng tâm được đề cập trong thông cáo báo chí về chuyến thăm của bà Harris. Ông nhận định gì về hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này?

Tất nhiên rồi. Cùng các cựu Đại sứ khác, tôi đã viết thư kêu gọi Tổng thống Joe Biden hỗ trợ vaccine Covid-19 cho Việt Nam. May mắn là Washington đã lắng nghe. Ở thời điểm hiện tại, Mỹ đã cung cấp số lượng đáng kể vaccine cho Việt Nam.

Tuy nhiên, đây chưa phải là giới hạn trong hợp tác giữa hai nước. Quá trình hợp tác trong lĩnh vực y tế công cộng giữa Việt Nam và Mỹ đã kéo dài gần hai thập kỷ, khi hai bên chung tay đẩy lùi dịch bệnh SARS những năm 2000 và sau đó là HIV/AIDS.

Nhiều nhà dịch tễ học Việt Nam đã tham gia các khóa đào tạo tại Mỹ. Các trung tâm cấp cứu lớn tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam Việt Nam đã cộng tác, chia sẻ dữ liệu thời gian với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ.

Với hệ thống y tế công cộng phát triển vượt bậc, trong giai đoạn đầu đại dịch, Việt Nam nằm trong danh sách nước tiêu biểu về phòng chống Covid-19 trên thế giới.

Cùng các cựu Đại sứ khác, tôi đã viết thư kêu gọi Tổng thống Joe Biden hỗ trợ vaccine Covid-19 cho Việt Nam. May mắn là Washington đã lắng nghe…

Biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đã khiến tất cả các nước trên thế giới, dù là Mỹ hay Việt Nam, gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam đã hành động quyết liệt, đẩy nhanh nhanh quá trình tiêm chủng tại TP. Hồ Chí Minh trong tháng qua.

Trong bối cảnh đó, Mỹ sẽ tiếp tục là một đối tác lớn của Việt Nam về phòng, chống dịch Covid-19 và hồi phục kinh tế sau đại dịch. Chuyến thăm tới là cơ hội để Phó Tổng thống Harris đưa hợp tác song phương trong lĩnh vực này lên một tầm cao mới.

Ông nói rằng quan hệ Việt-Mỹ minh chứng rằng hai nước từng đối đầu hoàn toàn có thể trở thành bạn thân thiết, đối tác tin cậy. Đó có phải là lý do ông đặt tên cho cuốn sách sắp xuất bản về quan hệ Việt-Mỹ của mình là “Không gì là không thể”?

Cuộc hội thảo ấy đã truyền cảm hứng để tôi viết nên tựa đề cuốn sách về quan hệ Việt-Mỹ là “Không gì là không thể: Tiến trình hòa giải giữa Mỹ và Việt Nam”… (Nguồn: Rutgers)

Cảm ơn bạn đã quan tâm. Cuốn sách song ngữ này dự kiến sẽ được giao tới những người đã trước vào đầu tháng 9, trước khi lên kệ ngày 15/10 tới. Song một số ấn bản đã tới tay bạn đọc ở Mỹ và Việt Nam. Độc giả có thể đặt mua trước cuốn sách với ưu đãi tới 30% tại đây.

Ông Ted Osius trong buổi trò chuyện với sinh viên Đại học Fulbright Việt Nam. (Nguồn: Đại học Fulbright Việt Nam)

Tựa đề của cuốn sách là Không gì là không thể: Tiến trình hòa giải giữa Mỹ và Việt Nam. Nó kể về tiến trình hòa giải kéo dài hơn 25 năm mà tôi có vinh hạnh được chứng kiến và đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình.

Ý tưởng về cái tên cho cuốn sách này đến từ một sự kiện 6 năm trước. Tháng 1/2015, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc cùng một số nhà ngoại giao Việt Nam đã tổ chức một cuộc hội thảo nhân dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ.

Tôi đã may mắn góp mặt tại sự kiện này cùng Thứ trưởng Ngọc, các cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam như Đại sứ Pete Peterson, Đại sứ Michael Michalak, các cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ và nhiều người từng góp công thúc đẩy quan hệ song phương.

Đó thực sự là khoảnh khắc tuyệt vời.

Đại sứ Pete Peterson, một trong những người sếp đầu tiên của tôi tại Việt Nam, đã khẳng định: “Với quan hệ Việt-Mỹ, không gì là không thể”. Câu nói ấy đã trở thành kim chỉ nam của tôi trong nhiệm kỳ Đại sứ tại Việt Nam – không gì là không thể.

Thứ trưởng Ngọc, hiện là Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, cũng truyền đi thông điệp đầy ấn tượng: “Thay vì chỉ giới hạn trong khuôn khổ song phương, đã đến lúc chúng ta nên mở rộng thảo luận và hợp tác về những vấn đề khu vực và toàn cầu lớn hiện nay”.

Tôi rất tâm đắc với nhận định này và đã tích cực thúc đẩy trong nhiệm kỳ Đại sứ của mình.

Tới tận bây giờ, Đại sứ Ngọc vẫn tiếp tục theo đuổi tầm nhìn năm ấy về mở rộng hợp tác Việt-Mỹ trong các vấn đề khu vực và toàn cầu hai bên có chung lợi ích.

Cuộc hội thảo ấy đã truyền cảm hứng để tôi viết nên tựa đề cuốn sách về quan hệ Việt-Mỹ, Không gì là không thể: Tiến trình hòa giải giữa Mỹ và Việt Nam.

Liệu ông có thể “bật mí” về một số nội dung trong cuốn sách?

Cuốn sách không đi sâu vào chính sách hay chỉ dành cho giới học giả. Nó đơn giản là kể chuyện về những “người hùng” đóng góp cho quá trình hòa giải Việt-Mỹ.

Có những người từng đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng như cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, cố Thượng nghị sỹ John McCain hay cố Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. Song cũng có không ít “người hùng” đóng góp cho tiến trình hòa giải một cách thầm lặng và chẳng màng danh tiếng. Tôi cố gắng kể lại câu chuyện của tất cả bởi tôi tin rằng, hòa giải là nỗ lực xuất phát từ trái tim.

Vì thế, cuốn sách kể về những người tôi có dịp quen biết trong mối lương duyên 26 năm với Việt Nam. Nó khắc họa nỗ lực phi thường của cá nhân, tập thể, Việt Nam có, Mỹ có, nhằm vượt qua rào cản để kết nối hai nước.

Một khi vượt qua quá khứ, nhìn về tương lai chung, tiềm năng hợp tác giữa hai nước là vô cùng rộng lớn. Đó là điều mà Việt Nam và Mỹ đã, đang và sẽ tiếp tục làm thời gian tới. Nhìn lại, có thể thấy chúng ta đã có bước tiến dài, từ đối thủ năm 1990 để trở thành bạn bè, đối tác năm 2021.

Dường như ông vẫn dành một tình cảm đặc biệt cho Việt Nam. Giờ đây, khi sắp trở thành Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-ASEAN (USABC) với liên kết đặc biệt với Đông Nam Á, liệu ông có kế hoạch trở lại Việt Nam? USABC có thể đóng góp như thế nào cho tiến trình phục hồi kinh tế sau đại dịch của ASEAN nói chung, Việt Nam nói riêng?

Tất nhiên rồi! Một khi tình hình đại dịch Covid-19 có tiến triển tích cực, tôi sẽ trở lại Việt Nam.

Về câu hỏi của bạn, tôi chỉ chính thức đảm nhiệm Chủ tịch USABC tuần tới. Tuy nhiên, tôi đã suy nghĩ về những gì doanh nghiệp Mỹ và ASEAN có thể thực hiện.

Đầu tiên, ưu tiên hàng đầu trong đại dịch Covid-19 là phản ứng khẩn cấp. USABC đã đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ cung cấp oxy, bộ xét nghiệm và dụng cụ y tế cho các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch. Nỗ lực này được dẫn dắt bởi một số doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ và USABC là thành viên then chốt.

Cụ thể, các công ty Mỹ nhanh chóng hỗ trợ Ấn Độ sau khi làn sóng lây nhiễm chưa từng có xuất hiện tại nước này và giờ đây, sự chú ý đang hướng về Indonesia, một “tâm chấn” khác của Covid-19. Họ cũng đang tìm hiểu cách thức hỗ trợ Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và các nước Đông Nam Á khác chịu tác động nặng nề từ biến thể Delta.

Còn đó thách thức, chẳng hạn như công ty tư nhân hiện không thể mua, phân phối hay tặng vaccine. Tôi hy vọng rằng qua thời gian, khi các hãng dược đẩy nhanh tiến độ sản xuất, doanh nghiệp Mỹ có thể đóng góp trực tiếp hơn vào quá trình phân phối vaccine Covid-19.

Tôi yêu mảnh đất này và tôi rất nóng lòng quay lại. Việt Nam đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc đời tôi…

Trong khi đó, cơ hội về phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 đang rộng mở với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là trong nền kinh tế số.

Khi còn ở Google, chúng tôi đã làm việc với Temasek (Singapore) để nghiên cứu về cách các nước ASEAN đang tận dụng các cơ hội số.

Bất chấp đại dịch Covid-19, nền kinh tế số của Việt Nam vẫn phát triển mạnh mẽ và nằm trong nhóm tăng trưởng nhanh nhất khu vực.

Khi ấy, USABC có thể giúp các nước ASEAN nâng cao tiêu chuẩn trong lĩnh vực số. Đơn cử là Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số (DEPA) mà Singapore cùng một số nước như New Zealand, Chile…đã ký kết.

Nó sẽ thúc đẩy tính đồng bộ thể chế, giải quyết thách thức mới từ số hóa như kiểm soát dữ liệu xuyên biên giới. Đây là tiêu chuẩn vàng cho các hiệp định thương mại số. Mỹ và Nhật Bản có tiêu chuẩn rất cao về hiệp định thương mại số và đã đến lúc ASEAN tham gia cuộc chơi.

Cuối cùng, trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch, đã đến lúc các nước ASEAN phối hợp xây dựng các bộ quy tắc, luật lệ chung. Đại dịch đã ít nhiều khiến các nước trở nên hướng nội. Đã đến lúc các nước Đông Nam Á cùng tái hiện thái độ cởi mở, thứ định hình ASEAN trong quá khứ và sẽ tiếp tục đóng là chìa khóa trong tương lai.

Cuối cùng, tôi cho rằng cần giữ dòng chảy thông tin và thương mại được thông suốt. ASEAN nên tiếp tục mở cửa cho doanh nghiệp và đầu tư như trong quá khứ và Việt Nam có thể dẫn dắt nỗ lực này.

USABC sẽ tích cực đóng góp vào quá trình này, từ đó thúc đẩy phục hồi sau đại dịch của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.

Xin cảm ơn ông!

TG&VN

Aufrufe: 14

Related Posts