Berlin (EAST SEA) Thứ Năm, Tháng Chín 2nd, 2021 / 21:38

Mỹ nói gì về việc Trung Quốc yêu cầu tàu nước ngoài vào Biển Đông phải đăng ký với Bắc Kinh?

Ngày 1/9, Lầu Năm Góc dường như phản đối việc Bắc Kinh yêu cầu các tàu nước ngoài đi vào Biển Đông phải đăng ký với giới chức hàng hải Trung Quốc, đồng thời coi đây là mối “đe dọa nghiêm trọng” đối với tự do hàng hải và thương mại.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Supple cho hay, những yêu sách bất hợp pháp ở Biển Đông sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng tới quyền và lợi ích của các quốc gia ở vùng biển này. (Nguồn: AFP)

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn bình luận của người phát ngôn Lầu Năm Góc John Supple cho hay: “Mỹ kiên quyết rằng, bất cứ đạo luật hoặc quy định nào của quốc gia ven biển cũng không được vi phạm các quyền hàng hải và hàng không mà tất cả các quốc gia đều được hưởng theo luật pháp quốc tế”.

Theo đó, “các yêu sách biển bất hợp pháp và dàn trải, trong đó có những yêu sách ở Biển Đông, đều gây ra mối đe dọa nghiêm trọng tới tự do của vùng biển này, trong đó có tự do hàng hải và hàng không, thương mại tự do và thương mại hợp pháp không bị cản trở”.

Bên cạnh đó, Mỹ cho rằng, những yêu sách bất hợp pháp này cũng sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng tới “những quyền và lợi ích của các quốc gia ở Biển Đông và ven biển khác”.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Mỹ táin khẳng định: “Mỹ vẫn cam kết duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật định và một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở”.

Bình luận trên được ông Supple đưa ra 2 ngày sau khi Trung Quốc tuyên bố, các tàu nước ngoài đi vào “lãnh hải” nước này sẽ phải báo cáo thông tin về tàu và hàng của họ với giới chức hàng hải Trung Quốc.

Quy định trên được cho là sẽ áp dụng với Biển Đông, Biển Hoa Đông và nhiều đảo, đá ngầm nằm ở vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố trái phép rằng, đó là vùng lãnh thổ bất khả xâm phạm của nước này.

Ngày 1/9, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc chính thức thi hành Luật An toàn giao thông hàng hải sửa đổi, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

“Các quốc gia cần tuân thủ nghiêm túc các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) – khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương, khi ban hành các văn bản nội luật liên quan đến biển.

Việt Nam kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để thực thi, bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển của mình được xác định theo đúng quy định của UNCLOS”.

TG&VN

Aufrufe: 185

Related Posts