Berlin (EAST SEA) Thứ Ba, Tháng Chín 14th, 2021 / 20:53

Chiến lược ‘lát cắt salami’ ở Biển Đông đang được mở rộng?

Luật An toàn giao thông hàng hải sửa đổi của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/9, trong đó yêu cầu nhiều loại tàu nước ngoài đi qua vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền phải cung cấp thông tin chi tiết cho chính quyền. Tờ Asia Times bình luận, động thái này vi phạm luật pháp quốc tế và làm gia tăng căng thẳng tại Biển Đông.

Ảnh vệ tinh do công ty Maxar Technologies (Mỹ) ghi nhận hôm 23/3/2021 cho thấy khoảng 220 tàu Trung Quốc neo đậu gần đá Ba Đầu thuộc cụm Sinh Tồn, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa tại Biển Đông. (Nguồn: QT)

Mối đe dọa nghiêm trọng

Giới phân tích cho rằng các yêu cầu pháp lý mới của Trung Quốc rõ ràng nhắm đến sự hiện diện của Mỹ và các đồng minh của Washington trên các tuyến đường biển tranh chấp. Lầu Năm Góc gọi Luật An toàn giao thông hàng hải sửa đổi của Trung Quốc là “mối đe dọa nghiêm trọng” và vi phạm luật pháp quốc tế.

Hiện chưa rõ Luật An toàn giao thông hàng hải sửa đổi sẽ được thực thi quyết liệt và sâu rộng đến mức nào, cũng như áp dụng trên phạm vi địa lý nào. Tuy nhiên, theo phóng viên Richard Javad Heydarian của tờ Asia Times, khả năng Trung Quốc sẽ áp dụng luật mới trên toàn bộ khu vực theo yêu sách “Đường 9 đoạn” của nước này.

Ông Heydarian khẳng định, chắc chắn, chiến lược mặc định của Trung Quốc là kiểm soát dần dần, từng nhịp một đối với các vùng biển lân cận hoặc ít nhất là các khu vực nằm bên trong “Đường 9 đoạn” vốn chiếm khoảng 2/3 diện tích Biển Đông mà không gây ra xung đột vũ trang và quan trọng hơn là không thu hút sự chú ý của các cường quốc như Mỹ.

Chiến lược “lát cắt salami” tiếp tục được Bắc Kinh sử dụng nhằm kiểm soát cục diện và chiều hướng của các tranh chấp trên Biển Đông trong tương lai gần.

Ngày 1/9, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc chính thức thi hành Luật An toàn giao thông hàng hải sửa đổi, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Các quốc gia cần tuân thủ nghiêm túc các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) – khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương, khi ban hành các văn bản nội luật liên quan đến biển”.

Về thời điểm ban hành luật trên, ông Heydarian nhận định: “Tôi nghĩ rằng chúng ta đang tiến gần hơn tới giai đoạn thứ tư trong chiến lược kiểm soát của Trung Quốc ở Biển Đông”.

Ông phân tích, giai đoạn đầu là việc phân định ranh giới các khu vực nằm trong yêu sách phi pháp của Bắc Kinh. Giai đoạn thứ hai bắt đầu vào cuối năm 2013, với việc Bắc Kinh tiến hành các hoạt động cải tạo quy mô lớn.

Giai đoạn thứ ba, bắt đầu vào khoảng năm 2015, là quá trình quân sự hóa nhanh chóng các đảo nhân tạo thông qua việc triển khai các hệ thống tên lửa tiên tiến và thiết lập các đường băng dài hàng km phục vụ các máy bay quân sự lớn.

Giai đoạn thứ tư, bắt đầu vào khoảng năm 2019, là việc Trung Quốc triển khai có hệ thống cũng như trao quyền cho lực lượng hải cảnh và lực lượng bán quân sự nhằm vây bắt, đe dọa và nếu cần có thể sử dụng vũ lực.

Ngụy tạo tính hợp pháp

Theo phóng viên Heydarian, việc ban hành Luật hải cảnh gây tranh cãi hồi đầu năm 2021 và gần đây nhất là luật mới đối với các tàu nước ngoài là những động thái nhằm ngụy tạo cho tính hợp pháp và chính thức đối với giai đoạn mới trong chiến lược này của Trung Quốc.

Trước mối lo ngại rằng việc Trung Quốc thực thi luật mới sẽ tạo thêm căng thẳng ở Biển Đông, ông Heydarian nhận định: “Cho đến nay, chúng ta thấy rằng Mỹ và các đồng minh, bao gồm cả các nước trong nhóm Bộ tứ, đều đang xem xét những biện pháp khác nhau nhằm đối phó với chiến lược kiểm soát của Trung Quốc ở Biển Đông.

Do đó, tần suất hoạt động tự do hàng hải (FONOP) của Mỹ cũng như Anh, Pháp đến Ấn Độ, Nhật Bản và Australia đã tăng lên đáng kể”.

Cũng theo ông Heydarian, việc để Trung Quốc tự ý siết chặt các quy định của nước này đối với các tuyến hàng hải quốc tế sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng kéo dài đối với một trật tự “tự do và rộng mở” ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các khu vực khác.

Do vậy, trước mắt, Mỹ và các nước có lẽ cần cân nhắc các biện pháp quyết liệt hơn với tham vọng của Bắc Kinh.

Trong khi đó, Bắc Kinh khẳng định sẽ đảm bảo quyền tiếp cận tự do và cởi mở đối với các tuyến đường vận chuyển trên Biển Đông, tuyên bố sẽ không bao giờ quân sự hóa khu vực này, song tất cả đã thay đổi.

Từ tháng 5-6/2021, các ảnh vệ tinh cho thấy tên lửa chống ngầm Y-8Q, KQ-200 cùng máy bay chỉ huy có trang bị ra đa KJ-500 của Trung Quốc và các trực thăng xuất hiện thường trực tại các pháo đài trên các đảo nhân tạo.

Các tàu khu trục cỡ lớn và cỡ nhỏ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cũng tham gia cùng các lực lượng này.

TG&VN

Aufrufe: 92

Related Posts