Berlin (EAST SEA) Thứ Tư, Tháng Mười 20th, 2021 / 21:19

Dù “không hướng tới” nhưng Chiến tranh lạnh vẫn nhiều khả năng xảy ra

Hồi tháng 9 vừa qua, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định: “Chúng tôi không hướng tới một Chiến tranh lạnh mới hay một thế giới bị chia rẽ”. Thế nhưng sự thật thì không ủng hộ thiện chí này.

Bước sang tháng 10, sự đe dọa chiến tranh trên không gian, trên biển, nhất là ở Biển Đông và eo biển Đài Loan đã khiến cho nguy cơ xảy ra Chiến tranh lạnh mới là có thật. Điều đó được các nhà bình luận quốc tế phân tích dựa trên các bằng chứng cụ thể, từ đó nhận định: Chiến tranh Lạnh Mỹ – Trung Quốc nhiều khả năng xảy ra, chứ không phải có thể xảy ra. Theo ông Kevin Rudd, cựu thủ tướng Australia và là chuyên gia lâu năm về Trung Quốc, những căng thẳng kéo dài ở eo biển Đài Loan, do sự “sốt ruột” của giới cầm quyền Bắc Kinh muốn mau chóng thống nhất Đài Loan bằng vũ lực chính là ngòi nổ Chiến tranh lạnh.

Vẫn cố gắng bảo vệ quan điểm của Tổng thống, Lầu Năm Góc đưa ra nhiều ý kiến nhằm dập tắt đám cháy có nguy cơ thổi bùng chiến tranh. Các ý kiến này thừa nhận, Trung Quốc đang nổi lên như một đối thủ tiềm tàng của Mỹ và đồng minh. Sự so sánh này có thể chưa hoàn toàn chính xác, nhưng nếu so với Liên Xô ở thập niên 70-80 thế kỷ XXI thì Trung Quốc mạnh hơn nhiều. Mạnh ở chỗ, các lĩnh vực khoa học, công nghệ, quân sự, kinh tế đều đạt được những thành tựu ngoạn mục.

Chiến tranh lạnh mới khác với Chiến tranh lạnh cũ ở chỗ, sự cạnh tranh Mỹ-Trung có thể ẩn giấu phía sau những căng thẳng leo thang về chiến lược kinh tế, cạnh tranh công nghệ và những động thái quân sự.

Còn như việc không quân Trung Quốc đưa hàng trăm máy bay xé nát bầu trời Đài Loan trong những ngày qua, hay việc Bắc Kinh mở rộng chương trình không gian khi đưa thêm ba phi hành gia lên trạm vũ trụ và thúc đẩy thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm, loại khí tài có thể xuyên thủng mọi lá chắn phòng thủ của Mỹ… chỉ là kiểu Chiến tranh lạnh cũ.

Dấu hiệu Chiến tranh lạnh mới mà Trung Quốc “đọc vị” là: Cuộc cạnh tranh trở nên gay gắt khi Mỹ và Anh tuyên bố hỗ trợ công nghệ để Australia đóng 8 tàu ngầm hạt nhân. Thỏa thuận tàu ngầm mang tên AUKUS sẽ giúp Mỹ, Anh, Canada duy trì ưu thế vượt trội về tàu ngầm hạt nhân so với Trung Quốc.
Còn, Chiến tranh Lạnh cũ trọng tâm là cạnh tranh quân sự. Khi đó đứng đầu hai cực thế giới là Mỹ và Liên Xô.

Vấn đề là ở chỗ, dù tên gọi thế nào, nhưng cách hành xử của hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc trong thế kỷ XXI khiến thế giới hình dung  đang sa vào một cuộc chiến. Vậy thì minh định thế nào đây cho sự “sa vào” này, nếu không gọi đó là “Chiến tranh lạnh mới”?

Để minh họa thêm cho sự cạnh tranh toàn diện của hai “ông lớn”, xin nêu một dẫn chứng mới: Tại Mỹ, một vấn đề hiếm hoi đã đạt đồng thuận lưỡng đảng là cuộc cạnh tranh Mỹ- Trung trong các lĩnh vực thiết bị bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử. Do có sự đồng thuận mà lưỡng đảng tại Thượng viện Mỹ đã thông qua Dự luật chính sách công nghiệp mới (nhằm đối phó Trung Quốc).

Theo đó Dự luật này sẽ rót khoảng 52 tỷ USD để mở rộng sản xuất chip điện tử trong nước. Nguồn tài chính khổng lồ này vượt xa khoản chi khi cạnh tranh sự thống trị của Nhật Bản cách đây 30 năm, (thị phần chip điện tử của Nhật Bản đã giảm còn khoảng 10%).

Cạnh tranh Mỹ-Trung âm thầm và quyết liệt trên nhiều lĩnh vực sẽ là ngòi nổ cho những xung đột rất cao trong thời gian tới. Triển vọng leo thang chiến tranh một cách vô tình giữa hai cường quốc vẫn tiềm ẩn. Điều nguy hại là, Chiến tranh lạnh mới sẽ khiến cho cả hai siêu cường cùng đồng minh rơi vào “vòng xoáy” chạy đua sự ảnh hưởng, tìm kiếm đồng minh và chạy đua vũ trang.

Và trong “vòng xoáy” khôn lường ấy, các quốc gia liên quan như “Bộ tứ kim cương”, AUKUS (Mỹ -Anh -Australia thiết lập mối quan hệ đối tác an ninh ba bên ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương), các nước ASEAN, phải chủ động, tỉnh táo để không bị cuốn vào như một cơn “mộng du” đã từng xảy ra trong Chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai trong thế kỷ XX.

BDN

Aufrufe: 10

Related Posts