Berlin (EAST SEA) Chủ Nhật, Tháng Ba 13th, 2022 / 18:41

Trả lại sự thật lịch sử bằng đúng tên gọi của nó !

Gần đây các nhà đạo cao nhất của Việt Nam đã tới thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên, Hà Giang và mới nhất là Khu tưởng niệm các Liệt sĩ hi sinh ngày 14/3/1988 tại đảo Gạc Ma (quần đảo Trường Sa).

Tuy không tuyên bố ồn ào về việc Hà Nội lên án hành động xâm lược của Nhà cầm quyền Bắc Kinh hồi tháng 2/1979 và tháng 3/1988, nhưng rõ ràng việc làm của các nhà lãnh đạo thay mặt Đảng, Nhà nước Việt Nam đã khẳng định: Việt Nam luôn tôn trọng sự thật lịch sử, quyết tâm giữ vững chủ quyền, lãnh thổ, lãnh hải trong bất kỳ tình huống nào. Hành động này được người dân Việt Nam hết sức hoan nghênh, nhất là những bậc cha mẹ, người thân có con em hi sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Truyền thông Việt Nam đưa tin, chiều 12/3 Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã đến khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma dâng hương tưởng niệm 64 cán bộ, chiến sĩ quân đội đã ngã xuống trong vụ Trung Quốc đánh chiếm nhóm đảo Gạc Ma- Cô Lin- Len Đao thuộc quần đảoTrường Sa.

34 năm trước, ngày 14/3/1988, lính Trung Quốc bất ngờ đổ bộ lên đá Gạc Ma thảm sát 64 chiến sĩ hải quân (chủ yếu là công binh hải quân) Việt Nam và chiếm đảo. Trong số họ có 56 người đã hòa lẫn vào đại dương, tám người được đồng đội đưa thi thể về đất liền và chỉ có chín người sống sót.

Gạc Ma -một trận hải chiến bi hùng tưởng đã bị lãng quên, nhưng gần đây đã được báo chí Việt Nam nhắc đến.

Điều này cũng tương tự cuộc chiến đấu dũng cảm bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc từng bị im lặng trong suốt mấy chục năm. Hãy trả lại lịch sử bằng đúng tên gọi của nó ! Hôm 26/1/2022, ông Phạm Minh Chính cũng đã đến Đài tưởng niệm Pò Hèn (Móng Cái, Quảng Ninh) để thắp hương tưởng niệm các quân nhân hi sinh trong cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc năm 1979.

Trước ông Chính, hồi tháng 12/2021, ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước, cũng đến thăm và dâng hương tại Nghĩa trang này.

Sự thật đã rõ ràng. Thái độ của các nhà lãnh đạo Việt Nam đã được thể hiện nhất quán trong đường lối, chính sách ngoại giao của họ. Khép lại quá khứ nhưng không có nghĩa là quên quá khứ, không để cho phía Trung Quốc xuyên tạc lịch sử. Chính sách ngoại giao của Hà Nội luôn nhất quán, kiên trì, mềm dẻo, nhưng phải kiên quyết bảo vệ, giữ vững chủ quyền, không để một tấc đất nào của tiền nhân để lại mất vào tay giặc.

Riêng về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa) và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa) Việt Nam tuyên bố họ có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để chứng minh thuộc chủ quyền Việt Nam. Nói chính xác là các Nhà nước Việt Nam trong lịch sử và cho tới nay đã thực thi chủ quyền ở đây ít ra từ thế kỷ XVII khi hai quần đảo chưa hề thuộc chủ quyền của bất cứ nước nào. Từ đó Việt Nam đã thực hiện việc xác lập và thực thi chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách liên tục và hòa bình.

Vào năm 1951, tại Hội nghị San Francisco (Hoa Kỳ) có một đề nghị bổ sung bản dự thảo Hòa ước yêu cầu trao trả cho Trung Quốc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng Hội nghị đã bác bỏ đề nghị này với số phiếu áp đảo là 46 phiếu thuận, 3 phiếu chống và 1 phiếu trắng. Tại Hội nghị, Ngoại trưởng Trần Văn Hữu dẫn đầu phái đoàn Chính phủ Quốc gia Việt Nam đã tuyên bố khẳng định chủ quyền lâu đời của người Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp sự phản đối hay bảo lưu của nước nào.

Năm 1956 Pháp chuyển giao lãnh thổ miền Nam Việt Nam cho Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Sau đó chính quyền này đã đưa quân ra tiếp quản, tổ chức hai quần đảo về mặt hành chính (lập ở mỗi quần đảo một xã thuộc một huyện ở đất liền), xây các bia chủ quyền, duy trì các trạm khí tượng.

Lợi dụng tình hình rối ren khi Pháp rút khỏi Đông Dương theo Hiệp định Genève năm 1954, Trung Quốc đã bí mật chiếm đóng trái phép nhóm đảo phía đông của quần đảo Hoàng Sa vào năm 1956. Chính quyền VNCH đã kịch liệt phản đối. Năm 1959 quân Trung Quốc giả làm ngư dân đổ bộ lên nhóm đảo phía tây quần đảo Hoàng Sa. Quân đội VNCH đã phát hiện ngăn chặn và bắt giữ 82 “ngư dân” trá hình Trung Quốc. Và chính quyền VNCH tiếp tục quản lý cho đến năm 1974.

Năm 1974, Trung Quốc dùng không quân, hải quân chiếm luôn phần phía tây của quần đảo Hoàng Sa. Chính quyền VNCH đã kịch liệt phản đối hành động xâm lược này của Trung Quốc. Năm 1975, chính quyền VNCH sụp đổ, Hải quân Việt Nam tiếp quản đầy đủ các đảo do quân đội VNCH cai quản trên Biển Đông. Nhà nước Việt Nam thống nhất sau đó tiếp tục khẳng định chủ quyền của người Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ban hành nhiều văn bản hành chính nhà nước thành lập các huyện đảo Hoàng Sa và huyện đảo Trường Sa cũng như hoàn thiện việc quản lý hành chính trên các quần đảo này.

Thế nhưng “cây muốn lặng gió chẳng đừng”, Bắc Kinh vẫn liên tục đòi hỏi chủ quyền phi lý tại hai quần đảo của Việt Nam. Họ liên tục gây căng thẳng, gia tăng các hoạt động quân sự gây mất an toàn, an ninh trên biển. Họ cố tình trì hoãn việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Họ ca ngợi “chiến thắng” năm 1979 và năm 1988 đã “dạy cho Việt Nam một bài học” và “đòi” được mấy hòn đảo ở… Nam Sa (!)

Cộng đồng quốc tế không ai có thể tin được sự dối lừa trắng trợn và bất lương.

Thái độ của lãnh đạo Hà Nội đối với những người đã dũng cảm hi sinh vì Tổ quốc tại biên giới phía Bắc và tại quần đảo Trường Sa là bước khởi đầu rất đáng ghi nhận.

BDN

Aufrufe: 41

Related Posts