Berlin (EAST SEA) Chủ Nhật, Tháng Tư 17th, 2022 / 06:13

Nga – Trung – Ấn: Kỳ vọng chiến lược và ân oán giang hồ

Cơ chế hợp tác 3 bên Nga, Trung Quốc, Ấn Độ được kỳ vọng tạo ra tam giác chiến lược

Cộng hoà Ấn Độ là quốc gia ở Nam Á, sở hữu vũ khí hạt nhân, lớn thứ 7 về diện tích và dân số đứng thứ 2 trên thế giới với 1,38 tỷ người. Về địa lý, phía Nam là Ấn Độ Dương, Tây Nam biển Ả Rập và Đông Nam vịnh Bengal, biên giới đất liền phía Tây giáp Pakistan, Đông Bắc giáp Trung Quốc, Nepal và Bhutan và phía Đông là Myanmar cùng Bangladesh. Về kinh tế Ấn Độ đang đứng thứ 6 trên thế giới sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Đức và Vương quốc Anh. Theo dự báo của HIS Markit, tăng trưởng GDP của Ấn Độ sẽ đạt 8,4 ngàn tỷ USD vào năm 2030 vượt qua Nhật Bản đứng thứ 2 sau ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và nền kinh tế sẽ có qui mô vượt qua các nền kinh tế lớn ở Tây Âu là Đức, Pháp và Anh để được xếp thứ 3 trên thế giới.

Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa là quốc gia ở Đông Á, sở hữu vũ khí hạt nhân, lực lượng quân nhân thường trực đông nhất thế giới và chi phí quân sự đứng thứ 2, có tổng diện tích lục địa lớn thứ 4 và đông dân nhất thế giới với trên 1,4 tỷ người. Trung Quốc có đường biên giới chung với 14 quốc gia bao gồm: Nga, Triều Tiên, Mông Cổ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikstan, Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ, Nepal, Bhutan, Myanmar, Lào và Việt Nam, phía Đông là bờ biển trải dọc theo Thái Bình Dương dài 14.500 km, giáp với các biển Bột Hải, Hoàng Hải, Hoa Đông và Biển Đông. Nền kinh tế của Trung Quốc hiện đứng thứ 2 thế giới sau Mỹ với GDP 2021 là 16.64 nghìn tỷ USD. Dự báo đến năm 2028 GDP danh nghĩa của Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ và trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.

Cộng hoà Liên bang Nga, là quốc gia sở hữu lượng vũ khí hạt nhân nhiều nhất thế giới với 5.977 đầu đạn hạt nhân. Nga nằm phía Bắc lục địa Á – Âu và có diện tích lớn nhất thế giới với số dân 146 triệu người. Từ Tây Bắc đến Đông Nam Nga có chung biên giới đường bộ với Na Uy, Phần Lan, Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan, Belarus, Ukraina, Gruzia, Azerbaijan, Kazakhstan, Trung Quốc, Mông Cổ và Bắc triều Tiên. Nước này có biên giới đường biển với Nhật Bản qua biển Okhotsk, với Thổ Nhĩ Kỳ qua Biển Đen, với Mỹ qua eo biển Bering, Canada qua Bắc Băng Dương. Nga có diện tích rừng lớn nhất thế giới, chiếm 25% trữ lượng nước ngọt không đóng băng trên trái đất, có trữ lượng khoáng sản và năng lượng lớn nhất thế giới, được coi là siêu cường năng lượng. Tuy nhiên, nền kinh tế của Nga chỉ được xếp hạng thứ 11.

Việc Nga mở „chiến dịch quân sự đặc biệt“ xâm lược Ukraine đã làm dấy lên làn sóng chống Nga mạnh mẽ trên toàn thế giới, khiến nước này bị cộng đồng quốc tế cô lập ở mức chưa từng có trong tiền lệ. Tuy vậy, có hai cường quốc rất quan trọng công khai hành động ngược lại, thậm chí âm thầm hỗ trợ Nga đó là Trung Quốc và Ấn Độ. Không ngạc nhiên là Trung Quốc đã từ lâu cùng với LB Nga cấu kết với nhau tạo thành một „trục ma quái“ và nay có khả năng chuyển đổi sang một cấu trúc mới trong quan hệ quốc tế (?); bất ngờ lớn lại chính là Ấn Độ – nước được xem là dân chủ và yêu chuộc hòa bình. Ý thức chung của cả 3 nước Nga-Trung-Ấn là đều không muốn làm „chư hầu“của Mỹ.

Từ khi chiến tranh Ukraine bùng nổ, Ấn Độ là một trong số ít cường quốc đã không lên án cuộc xâm lược của Nga. Hơn thế, Ấn Độ cũng đang hỗ trợ kinh tế cho Nga môt cách đáng kể bằng cách mua một lượng lớn dầu của Nga. Theo thông tin, lượng dầu thô mà Ấn Độ mua từ Nga tiếp tục tăng, kể từ tháng 3 đến nay có khoảng 6 triệu thùng dầu đã được chuyển đến Ấn Độ, tương đương 50% trong tổng số 12 triệu thùng được giao trong cả năm 2021. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov ngày 1/4 đã có chuyến thăm đặc biệt tới Ấn Độ và ca ngợi vị thế của Ấn Độ, gọi “Ấn Độ là bạn của Nga”. Nga hy vọng rằng Ấn Độ có thể hợp tác sâu hơn trong các giao dịch hàng hóa thông qua hệ thống trao đổi thông tin tài chính của hai nước, nhằm vượt qua các loại tiền tệ như USD và Euro để qua đó phá vỡ các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây.

Đã từ lâu Ấn Độ đã luôn tìm cách thiết lập vị thế độc lập trong ngoại giao, còn trong xây dựng quân đội thì vẫn nhập khẩu các sản phẩm quân sự. Nga là nhà cung cấp thiết bị quốc phòng lớn nhất của Ấn Độ. Đối với một nước đang mong muốn mở rộng sức mạnh kinh tế như Ấn Độ, việc tận dụng cơ hội mua dầu mỏ, vũ khí và các mặt hàng khác của Nga với giá rẻ cũng là vì lợi ích quốc gia của mình. Ngoài ra, Ấn Độ đã không hài lòng về việc Mỹ lâu nay hỗ trợ Pakistan và hạn chế Ấn Độ trong việc phát triển vũ khí hạt nhân, bao gồm cả việc Mỹ rút khỏi Afghanistan. Đó cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến thái độ của Ấn Độ trong thời điểm này.

Mối quan hệ Nga – Trung luôn được nhắc đến bằng những mỹ từ “đang nồng ấm” và “chưa từng có” và gần đây hai nước hứa sẽ duy trì “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”. Các nhà lãnh đạo của hai nước ngày càng trở nên thân thiết hơn, gặp nhau hơn 30 lần kể từ năm 2013.

Một liên minh Nga – Trung đã hình thành trong những năm gần đây với 3 mục đích chính là:

  • kìm hãm ảnh hưởng của Mỹ,
  • giảm giá dầu và
  • mở rộng quan hệ thương mại.

Sau khi sáp nhập Crimea, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã đẩy Nga xích lại gần Trung Quốc. Thương mại Nga – Trung đã tăng gấp đôi, lên 108 tỷ USD. Ngân hàng Trung ương Nga tăng dự trữ tiền tệ của Trung Quốc từ dưới 1% lên trên 13% và Trung Quốc vượt qua Đức trở thành nhà cung cấp chính về công nghệ và hoạt động của nhà máy công nghiệp tại Nga. Về phần mình, Nga đã rất cân nhắc trong các tuyên bố của mình về các vấn đề nhạy cảm nhất đối với Bắc Kinh như, triển khai mạng 5G của Huawei, vấn đề Hong Kong, vấn đề Đài Loan, Covid-19 và ngay cả những đòi hỏi vô lý trên Biển Đông theo đường lưỡi bò…

Tưởng chừng như nồng ấm, nhưng thực tế mối quan hệ Nga – Trung đã bắt đầu xuất hiện những rạn nứt, mặc dù hai bên đã cố gắng hàn gắn. Nền móng xây dựng mối quan hệ cũng không vững chắc mà ngày càng trở nên lung lay hơn. Điều đó bắt nguồn từ sự xung khắc về lịch sử liên quan đến vùng Vladivostok, từ các hợp đồng vũ khí Nga bán cho Ấn Độ, và cả việc Nga trì hoãn chuyển giao hệ thống tên lửa S-400 cho Bắc Kinh.

Những bất đồng về Vladivostok đã khiến dư luận Trung Quốc phản ứng dữ dội khi đại sứ quán Nga đăng tải video kỷ niệm 160 năm thành lập thành phố. Một số người Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh nên phản ứng với bài đăng bằng cách đưa ra lập trường về vấn đề Crimea, bởi vốn dĩ Trung Quốc vẫn giữ quan điểm trung lập kể từ năm 2014. Sự việc chỉ là một trong những dấu hiệu thực tế cho thấy các tranh cãi về lãnh thổ vẫn chưa dừng lại và đang trở thành rào cản trong mối quan hệ Nga – Trung.

Trung Quốc và Ấn Độ ủng hộ Nga, xem bề ngoài thì dường như là cục diện liên minh 3 nước, nhưng trò “tam quốc diễn nghĩa” này thực sự phức tạp hơn nhiều. Trước hết, Ấn Độ ủng hộ Nga nhưng không có nghĩa là Ấn Độ sẽ trở thành đồng minh của Trung Quốc. Từ lâu, Ấn Độ đã công khai rằng chừng nào còn các vấn đề về lãnh thổ thì quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ sẽ không được cải thiện. Trong khi ủng hộ Nga, Ấn Độ vẫn tham gia vào „diễn đàn chiến lược 4 nước, còn gọi là Đối thoại Tứ giác An ninh hay Tứ giác kim cương gồm: Mỹ-Ấn Độ-Nhật Bản-Úc“ chống lại Trung Quốc do Mỹ dẫn đầu. Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar đã nói rõ về các nguyên tắc đối ngoại của Ấn Độ rằng, một trong những thách thức chính của Ấn Độ là “sự trỗi dậy của một Trung Quốc hung hăng hơn”. Gần đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đến thăm Ấn Độ, muốn nhân cơ hội lôi kéo Ấn Độ nhưng e rằng chỉ uổng công.

Điều đáng để quan sát hơn là thái độ của Nga. Nga nhận thức rõ về cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Ấn Độ cũng như những mâu thuẫn không thể hòa giải về vấn đề lãnh thổ của họ, nhưng Nga chưa bao giờ chọn một bên giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Một câu hỏi đáng chú ý: Giả sử xảy ra xung đột quy mô lớn giữa Trung Quốc và Ấn Độ thì Nga sẽ đứng về phía nào? Việc Nga lâu nay giúp Ấn Độ  tăng cường sức mạnh quân sự thực sự đe dọa lợi ích của Trung Quốc, điều này làm cho mối quan hệ “tam quốc diễn nghĩa” giữa Trung Quốc, Nga và Ấn Độ ngày càng trở nên phức tạp hơn.

Tóm lại, Trung Quốc có khuynh hướng thân Nga về vấn đề chiến tranh Nga-Ukraine, toan tính xây dựng liên minh Trung – Nga chặt chẽ để cùng đối phó với phương Tây do Mỹ dẫn đầu. Nhưng người ta vẫn nghi ngờ liệu Nga và Putin thực sự có thiện chí đáp lại sự ủng hộ của Trung Quốc hay không. Trong thực tế cho thấy, Nga chưa bao giờ yên tâm về Trung Quốc, hy vọng dùng Ấn Độ để cân bằng và kiềm chế Bắc Kinh, nhằm ngăn chặn mối đe dọa lợi ích của mình. Về cuộc chiến Nga-Ukraine này, nhìn bề ngoài thì có vẻ cho thấy Trung Quốc, Nga và Ấn Độ đoàn kết trong cùng một chiến tuyến, nhưng những liên minh như vậy đều có nền tảng dựa trên những lợi ích cụ thể chứ không có bất kỳ sự gắn kết ý thức hệ nào.

Trong khủng hoảng tại châu Âu lần này thì sự kết hợp của ba nước Nga-Trung-Ấn có thể hình dung bằng thuật ngữ “đồng sàng dị mộng”!

Tuy nhiên, một Liên minh kinh tế giữa Nga và Trung Quốc sẽ là mối đe doạ đến vị thế của Mỹ trong tương lai, điều làm phương Tây rất lo ngại và chắc chắn họ sẽ điều chỉnh chiến lược của mình nhằm đối phó với sự chuyển động từ „đơn cực“ sang „đa cực“.

Lê Hoàng

Aufrufe: 17

Related Posts