Berlin (EAST SEA) Chủ Nhật, Tháng Mười 16th, 2022 / 09:48

Đại hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh nào?

1. Bối cảnh quốc tế
Đại hội 20 ĐCS Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh quốc tế đang có những thay đổi chưa từng có, chứa đựng nhiều nhân tố bất ổn và không xác định.
Đại dịch Covid-19 và đi kèm với đó là xu hướng hướng nội của các quốc gia chính là chất xúc tác cho quá trình phân tách giữa các nước. Hậu quả của đại dịch là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu sẽ đẩy nhanh quá trình phân rã trật tự thế giới cũ và tái cấu trúc cán cân quyền lực toàn cầu, thúc đẩy hình thành hai trung tâm quyền lực chính là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Cùng lúc đó, cuộc chiến Nga – Ukcraine là minh chứng cho một cuộc khủng hoảng của nền quản trị toàn cầu, khi mà những quy tắc về một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ được hình thành từ sau Thế chiến thứ hai đang bị xâm phạm nghiêm trọng. Cuộc khủng hoảng ở Ukcraine đã củng cố tình đoàn kết giữa các đối thủ phương Tây của Nga, làm hồi sinh NATO, tăng cường sự kết nối giữa Mỹ và EU khi họ tìm thấy những mục đích chung mới, đi ngược lại với nguy cơ chia rẽ và rạn nứt giữa hai bờ Đại Tây Dương đã diễn ra trong vài năm gần đây. Cuộc chiến tại Ukraine cũng khiến Nga xích lại gần hơn với Trung Quốc, hai bên tuyên bố rằng tình hữu nghị giữa hai nước là “không giới hạn”. Tất cả những biến động lớn trên phạm vi toàn thế giới nói trên chắc chắn sẽ gây ra những tác động căn bản đối với quá trình tái định hình trật tự thế giới vốn đã bắt đầu diễn ra từ khi Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ, thách thức vị trí bá chủ của Mỹ. Mặc dù thế giới chưa phân chia thành hai cực rõ rệt vào thời điểm hiện tại, nhưng một trật tự lưỡng cực mới đang dần được hình thành. Với vai trò có thể là một “cực” mới trong hệ thống quốc tế tương lai, Đại hội 20 ĐCS Trung Quốc sẽ phải đưa ra những điều chỉnh mang tầm chiến lược.
Cạnh tranh và căng thẳng sẽ vẫn là xu hướng chủ đạo trong quan hệ Trung-Mỹ. Nếu như tổng thống Trump khiến cho quan hệ Mỹ-Trung chạm đáy trong lịch sử quan hệ ngoại giao hai nước kể từ khi bình thường hoá thì có thể nói, ông sẽ là vị tổng thống Mỹ nhẹ tay nhất với Trung Quốc từ nay về sau. Sự đồng thuận trong nhận thức đối với “đối thủ chiến lược” Trung Quốc tại Mỹ đã đi từ lưỡng đảng đến giới tinh anh, trở thành tiếng nói chung của toàn xã hội Mỹ. Cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung đã lan từ lĩnh vực kinh tế-thương mại sang tất cả các khía cạnh khác. Gần đây Mỹ đã phát động một cuộc tấn công toàn diện vào khâu yếu nhất của Trung Quốc là công nghệ lõi, mở đầu cho một cuộc cạnh trạnh gay gắt về công nghệ giữa hai quốc gia này. Đây sẽ là khía cạnh tập trung mâu thuẫn Mỹ-Trung trong vài năm tới. Hy vọng của Trung Quốc về việc có thể lùi thời gian Mỹ tiến hành kiềm chế ở mức độ cao với họ đã bị dập tắt. Trung Quốc đang chuẩn bị thế và lực cho một cuộc cạnh tranh lâu dài và khốc liệt với Hoa Kỳ. Tuy vậy, nhận thức chủ đạo của Trung Quốc vẫn là trung tâm quyền lực đang có xu hướng “chuyển dịch từ Tây sang Đông” và ý thức sâu sắc về việc họ đang ở trong “thời kỳ cơ hội trăm năm có một”. Do vậy họ phải nỗ lực tranh thủ thời cơ hiếm có này.
Vấn đề Đài Loan chưa bao giờ phức tạp như hiện nay. “Thống nhất Đài Loan” là mục tiêu Trung Quốc phải thực hiện trong giai đoạn hoàn thành mục tiêu trăm năm lần thứ hai, nhằm hiện thực hoá “giấc mộng phục hưng dân tộc Trung Hoa”, đồng thời quỹ thời gian cho nhiệm vụ này đang ngày càng ít dần. Nhưng quan điểm của người dân Đài Loan hiện nay khiến “thống nhất hoà bình” khó thực hiện. Có lẽ TQ phải đưa ra một sáng kiến mới kiểu như “một nước hai chế độ”. Trong khi đó, Mỹ sẽ tiếp tục dùng Đài Loan để gây sức ép và làm các phép thử đối với “điểm tới hạn” của Trung Quốc. Đây chính là bài toán khó đặt ra cho Đại hội 20 ĐCS Trung Quốc.
Quang cảnh Đại hội Đảng 19
2. Tình hình trong nước
Hiện tại Trung Quốc đang phải đối mặt với bất ổn kinh tế lớn và tăng trưởng chậm hơn bất cứ thời điểm nào kể từ khi Đặng Tiểu Bình thực hiện “cải cách mở cửa” cho đến nay. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, và sự chậm lại này về bản chất mang tính cấu trúc, chứ không chỉ mang tính chu kỳ, sự suy giảm tốc độ tăng trưởng này phản ánh quá trình chuyển đổi khó khăn mà các nền kinh tế phát triển nhanh khác đã không thể giải quyết được trong quá khứ. Chính sách “zero Covid” được thực hiện một cách nghiêm ngặt và kéo dài đã khiến nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt nhiều thách thức lớn hơn. Sự cô lập với phần còn lại của thế giới, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, nguy cơ phá sản của hàng loạt các doanh nghiệp tư nhân, vấn đề cơm ăn áo mặc và sinh tồn của người dân, tất cả đang đặt ra những thách thức lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Song song với đó, TQ đang thực hiện nhiều biện pháp hạn chế rủi ro tài chính vì nợ đang ở mức cao. Các biện pháp này đã tạo ra áp lực đối với thị trường nhà ở, và cuộc khủng hoảng bất động sản bắt đầu xảy ra với China Evergrande Group và sau đó lan sang các công ty khác. Giá nhà vẫn tăng bất chấp tuyên bố “nhà để ở không phải để đầu cơ” của chính phủ. Thêm vào đó, khoảng cách thu nhập (giữa các giai tầng, giữa các vùng miền) ở Trung Quốc ngày càng nới rộng. Từ việc mạnh tay thực thi chính sách “một con”, Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng về nhân khẩu, áp lực “già đi” trước khi “giàu lên” gây khó khăn đối với sự tăng trưởng của nước này. Thách thức về “bẫy thu nhập trung bình” trở nên trầm trọng hơn bởi quá trình già hóa dân số của Trung Quốc.
Dù vậy, Trung Quốc đang ở trong một môi trường chính trị ổn định, với sự đồng thuận cao từ trên xuống dưới, với chủ nghĩa yêu nước được bồi dưỡng và lan tỏa. Nếu như chủ tịch Tập Cận Bình vẫn tiếp tục tại vị ở nhiệm kỳ 3, đồng nghĩa với việc những chiến lược và tầm nhìn thế kỷ của ông sẽ mang tính kế thừa và tiếp nối. Một chiến lược tự chủ sáng tạo về công nghệ để khắc phục “điểm nghẽn” về “công nghệ lõi”, ước mơ về xã hội “thịnh vượng chung” hướng đến mọi người cùng giàu có, một tầm nhìn “cộng đồng chung vận mệnh nhân loại” đầy giá trị truyền cảm hứng. Tất cả tạo nên viễn cảnh một Trung Quốc thịnh vượng và đầy hy vọng trong tương lai.
Đại hội 20 ĐCS Trung Quốc diễn ra trong môi trường quốc tế cũng như trong nước khó khăn và bất định hơn so với Đại hội 19. Đồng thời Trung Quốc đang gặp phải một “nghịch lý”, đó là khi đang trong thời đoạn phát triển và thịnh vượng nhất kể từ khi thành lập nước, thì họ lại phải giải quyết những vấn đề nan giải nhất và đối mặt với nhiều rủi ro lớn về an ninh.
TS Hoàng Huệ Anh

Aufrufe: 210

Related Posts