Berlin (EAST SEA) Thứ Tư, Tháng Tư 5th, 2023 / 10:01

Điều gì ẩn sau những cam kết ở Biển Đông

Ngày 4/4, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết Bắc Kinh đã nêu quan ngại về các hoạt động năng lượng của doanh nghiệp quốc doanh Petronas tại Biển Hoa Nam (Biển Đông) dù Kuala Lumpur tin rằng các dự án liên quan được tiến hành trong phạm vi lãnh thổ chủ quyền của nước này. Các bình luận của ông Anwar được đưa ra sau khi ông mở cánh cửa ngoại giao với Trung Quốc hồi đầu tuần trong bối cảnh có dấu hiệu các dự án năng lượng của Malaysia tại vùng biển Bắc Kinh có yêu sách chủ quyền phải đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Anwar Ibrahim tại lễ đón ở Bắc Kinh, ngày 1/4/2023. Ảnh: THX


Công ty Petronas vận hành các mỏ khai thác dầu và khí đốt trong phạm vi Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Malaysia. Vài năm trở lại đây, người ta đã chứng kiến một số vụ đụng độ giữa Petronas và tàu thuyền Trung Quốc. Thủ tướng Anwar nói rằng Trung Quốc lo ngại “Petronas tiến hành hoạt động quy mô tại khu vực mà họ tuyên bố chủ quyền… Tuy nhiên tôi đã nhấn mạnh rằng đây là lãnh thổ của Malaysia và vì vậy Petronas sẽ tiếp tục các hoạt động khai thác trong khu vực”. Ông không nói cụ thể dự án hay địa điểm nào được nhắc đến trong các phát biểu này, song khẳng định Malaysia vẫn cởi mở với đàm phán “nếu Trung Quốc cảm thấy họ có quyền chính đáng với vùng biển này”.


Mỏ khí đốt Kasawari có trữ lượng ước tính 3 nghìn tỷ mét khối và dự kiến sẽ bắt đầu được đưa vào sản xuất trong năm nay. Trong phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Anwar nói rằng Trung Quốc tuyên bố các tàu thuyền nước này hoạt động trong vùng biển quốc tế. Ông khẳng định Bộ Ngoại giao Malaysia sẽ gửi phản đối ngoại giao nếu xảy ra đụng độ giữa tàu thuyền hai nước trong khu vực. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh bảo vệ “các quyền hợp pháp và lợi ích” ở Biển Đông.


Nhà phân tích chính sách đối ngoại Collins Chong Yew Keat, làm việc tại Đại học Malaya, cho rằng những phát biểu này là cần thiết để thể hiện chủ quyền của Malaysia, song thực tế có thể khó khăn hơn nhiều so với kỳ vọng.


Giống nước láng giềng Philippines, Malaysia rất muốn tách các vấn đề liên quan đến Biển Đông khỏi mối quan hệ song phương rộng lớn hơn với Trung Quốc, với hy vọng rằng điều này sẽ không cản trở nhu cầu tăng cường quan hệ kinh tế. Tuy nhiên, ông cho rằng Malaysia “không chia sẻ tính toán chiến lược của Manila trong việc cởi mở hơn với các đảm bảo an ninh từ Mỹ, khía cạnh mà Bắc Kinh đang khai thác nhiều nhất”. Trao đổi với phóng viên “This Week in Asia”, ông cho rằng Malaysia nên tránh đàm phán song phương với Trung Quốc nhất là trong các vấn đề liên quan tới tuyến đường thủy đang tranh chấp – nơi trung chuyển ít nhất 3 nghìn tỷ USD hàng hóa hằng năm – vì Trung Quốc sẽ sử dụng tất cả đòn bẩy để đưa ra các điều khoản có lợi hơn cho nước này.


Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 4/4 nói rằng Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Malaysia để giải quyết các bất đồng tại Biển Đông thông qua đối thoại và tham vấn một cách phù hợp.


Tuần trước, viện nghiên cứu chính sách Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), cho biết một tàu tuần duyên Trung Quốc đã hoạt động suốt tháng qua gần mỏ khí đốt Kasawari của Petronas, gần bang Sarawak, và thậm chí có lúc áp sát ở cự ly rất gần. Một tàu hải quân Malaysia sau đó cũng có mặt trong khu vực. Ngày 3/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng họ không biết về vụ việc, song thừa nhận nếu có, hành vi của tàu tuần duyên này là rất đáng xấu hổ.


Tháng 8/2022, Proofpoint, một công ty an ninh mạng hàng đầu có trụ sở tại California, đã công bố báo cáo về một hoạt động tin tặc bất thường ở Biển Đông. Theo báo cáo, chiến dịch này diễn ra từ tháng 3/2021-6/2022, nhằm vào các công ty năng lượng đang hoạt động tại mỏ khí đốt Kasawari.


Các công ty liên quan đã nhận được thư điện tử chứa liên kết dẫn đến một trang web tin tức hợp pháp của Australia. Tuy nhiên, việc nhấn vào các liên kết đã kích hoạt phần mềm độc hại có tên ScanBox, giúp tin tặc kiểm soát một phần máy tính của nạn nhân, với khả năng theo dõi các lần gõ phím và hoạt động của trình duyệt.


Có nguồn tin cho rằng vụ việc liên quan tới nhóm gián điệp mạng được gọi là TA423/Red Ladon hoặc APT40, có trụ sở tại Hải Nam, và có liên hệ với Bộ An ninh Quốc gia (MSS) Trung Quốc.


Petronas từ chối bình luận về vụ việc, chỉ khẳng định công ty được bảo vệ trước các cuộc tấn công trực tuyến. Truyền thông Malaysia dường như cũng không để tâm tới sự kiện này. “The Diplomat” cho rằng sự im lặng của Malaysia có thể phản ánh lập trường chính sách không đối đầu của nước này trong các vấn đề liên quan đến Biển Đông. Emirza Adi Syailendra, nhà nghiên cứu về các vấn đề chiến lược, làm việc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, viết: “Lằn ranh đỏ của Malaysia là những can thiệp mang tính vật lý đối với các hoạt động khai thác của nước này. Hơn nữa, các cường quốc phương Tây như Mỹ và Australia không được khuyến khích tham gia các tranh cãi này”.


Với tầm quan trọng về chiến lược và kinh tế, mỏ khí đốt Kasawari được cho là mục tiêu của một số chiến thuật “vùng xám” đáng chú ý vào năm 2021. Ngày 1/6/2021, thời điểm giàn khoan vẫn đang được lắp ráp, người ta đã phát hiện 16 máy bay Trung Quốc “bay theo đội hình” ngoài khơi bờ biển Sarawak. Malaysia điều máy bay chiến đấu để theo sát các diễn biến, trong khi Ngoại trưởng Hishammuddin Hussein gửi thư phản đối với Bắc Kinh về việc “xâm phạm không phận và chủ quyền của Malaysia”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc phủ nhận tính nghiêm trọng của vụ việc, gọi đây là “hoạt động huấn luyện thông thường”. Ông Hussein sau đó đã trao đổi với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và nhấn mạnh “sự cần thiết của việc tự kiềm chế” ở Biển Đông.


Vụ tin tặc tấn công kể trên diễn ra ngay sau các diễn biến kể trên. Proofpoint dự đoán các hành vi tương tự sẽ tiếp diễn chừng nào các công ty khai thác còn hoạt động trong khu vực.


Kasawari là 1 trong 19 dự án năng lượng mới được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao vị thế của Malaysia trong các nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên. Theo một báo cáo của Fitch Solutions về ngành dầu khí của nước này, “việc triển khai thành công đường ống ngoài khơi theo kế hoạch sẽ đưa Malaysia trở thành một trong những quốc gia vượt trội ở châu Á về tăng trưởng sản xuất khí đốt trong vòng 3 đến 4 năm tới”.


Câu hỏi đặt ra là vì sao tin tặc lại nhắm đến các công ty nước ngoài tại Kasawari? Địa chỉ IP của Red Ladon có thể cung cấp manh mối nhất định. Hoạt động gần Căn cứ Hải quân Ngọc Lâm ở đảo Hải Nam, nhóm này được cho là tích cực thu thập thông tin tình báo để phục vụ các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc, bao gồm giám sát các quốc gia đối tác tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường. Năm 2019, các nhà nghiên cứu tại công ty an ninh mạng Mandiant (hiện thuộc sở hữu của Google) viết: “Chúng tôi tin rằng việc APT40 tập trung vào các vấn đề hàng hải và công nghệ hải quân thực chất là nhằm thúc đẩy tham vọng thành lập lực lượng hải quân biển xanh của Trung Quốc”.

Tuy nhiên, chiến dịch tin tặc dường như có trọng tâm là các vấn đề thương mại hơn là quân sự. Bắc Kinh coi Biển Đông là không gian chung để khai thác năng lượng, đặc biệt là trong phạm vi cái gọi là “Đường 9 đoạn”. Năm 2018, Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc đã mời “tất cả các công ty dầu khí… cùng đầu tư và hoạt động ở ngoài khơi Trung Quốc để cùng đạt được thành công”. Gần đây hơn, một cơ quan truyền thông nhà nước cho rằng Trung Quốc đang tìm kiếm “quan hệ đối tác kinh tế xanh” với các quốc gia ASEAN./.

Theo Reuters/thediplomat.com/scmp.com

Aufrufe: 201

Related Posts