Berlin (EAST SEA) Thứ Sáu, Tháng Tám 18th, 2023 / 22:55

Quân cảng Ream – mũi tên trúng hai đích của TQ

Trong những ngày mà cả thế giới còn đang tập trung vào cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Tại Đông Nam Á, Trung Quốc và Campuchia đã âm thầm tiến hành nâng cấp và cải tạo quân cảng Ream. Dù đã cố gắng che giấu nhưng nó thì vẫn bị Hoa Kỳ phát hiện và đặt ra câu hỏi: “Điều gì đã khiến Trung Quốc thuê quân cảng Ream?”. Quân cảng này có gì quan trọng? Trung Quốc muốn gì ở nó?

Quân cảng Ream – mũi tên trúng hai đích của TQ.

Lời giải cho con đường vươn ra biển lớn

Trước hết chúng ta hãy cùng nhìn qua lịch sử của quân cảng này, và vị trí địa lý của nó. Trong suốt một khoảng thời gian dài quân cảng này gần như bị bỏ không, từ thời kỳ chính quyền Lon Nol do Hoa Kỳ dựng lên nắm quyền và sau đó là Khmer Đỏ. Vùng đất này, có cơ sở hạ tầng kém và các tàu cỡ lớn gần như không thể tiếp cận. Thế nhưng vị trí địa lý của nó thì lại quá tuyệt vời. Nếu Cam Ranh của Việt Nam có thể phong tỏa vùng Biển Đông và tuyến đường thương mại đi qua đây, thì Ream cũng có vị trí đắc địa không kém. Đó là khống chế toàn bộ vùng Vịnh Thái Lan, vùng biển Tây Nam của Việt Nam và quan trọng nhất đó là eo biển Malacca, nói chung là rất nhiều lợi ích. Thế nhưng các bạn chỉ cần quan tâm nhất đến cụm từ eo biển Malacca mà thôi. Tại sao lại quan trọng? Đặc biệt là với Trung Quốc?

Bởi Trung Quốc phải đối mặt với cái gọi là “Thế tiến thoái lưỡng nan Malacca”, trong đó thì các tuyến đường vận tải của họ đi qua Malacca, giữa Malaysia và Indonesia có khả năng bị hải quân Mỹ cản trở nếu xung đột thực sự xảy ra. Phần lớn nhập khẩu của Trung Quốc trong đó 80% là nguyên liệu đều phải đi qua khu vực này, và bất kỳ sự bao vây thương mại nào cũng sẽ bóp nghẹt nền kinh tế của Trung Quốc. Đó là lý do mà Trung Quốc cần phải xây dựng gấp căn cứ quân sự tại đây, họ có thể cơ động quân đội gấp xuống đây, chuẩn bị cho một cuộc chiến tiềm tàng với Hoa Kỳ.

Hơn nữa chúng ta cần nhìn vào vị trí của Trung Quốc hiện tại, họ đang bị bao vây bởi vô số căn cứ quân sự và các đồng minh của Mỹ. Phía Đông có là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan; phía Bắc là Nga dù là đồng minh nhưng chắc chắn họ cũng không thể đưa quân lên đất Nga tạo căn cứ được; phía Tây, Tây Nam thì có Ấn Độ. Hơn nữa Tân Cương, Tây Tạng thì luôn có phong trào đòi ly khai bất ổn, vậy thì chỉ còn phía Nam mà thôi.

Biển Đông thì đang đầy biến động khó lường với Philippines, Indonesia, Malaysia đều là đồng minh của Mỹ, còn Việt Nam thì là đối thủ mà Trung Quốc luôn tranh chấp. Thế nhưng đặc điểm chung của các quốc gia này, là tiềm lực yếu hơn Trung Quốc khá nhiều và dễ bị lôi kéo nếu cho họ những lợi ích to lớn. Hơn nữa nếu so với ba phía kia, thì phía Nam là nơi dễ tác động nhất, khi Trung Quốc có những quốc gia thân mình đó là Campuchia và Myanmar, còn Thái Lan cũng đang xoay trục dần về phía họ. Chính vì vậy, muốn vươn ra biển lớn mà ít rủi ro nhất thì Biển Đông là lựa chọn hoàn hảo. Và để làm được điều này, họ cần các tiền đồn quân sự để hiện diện quân sự lâu dài và thường xuyên ở đây. Hải Nam thì ở quá xa, Hoàng Sa – Trường Sa họ có căn cứ quan trọng nhưng lại tồn tại nhiều rủi ro khi động binh vì nó thì đều nằm trong tầm ngắm của Việt Nam, và các căn cứ của Hoa Kỳ tại Philippines.

Giờ thì hãy nhìn vào Ream, nếu đóng quân ở đây, họ có một tuyến đường ngắn nhất để đến được eo biển Malacca so với các vùng biển đang tranh chấp giữa các bên, thì khu vực giữa Campuchia, Việt Nam, Thái Lan là yên ổn nhất với những tranh chấp không đáng kể. Chính vì vậy, đầu tư vào Ream là một dự án có lợi và ít rủi ro nhất cho Trung Quốc.

Theo CSIS, các tàu nạo vét giúp căn cứ Ream có cảng nước sâu hơn, vốn là điều kiện cần thiết để các tàu quân sự lớn cập cảng. Báo cáo dẫn lại một bài viết đăng trên tạp chí The Wall Street Journal cho biết : “Thỏa thuận đề cập ở trên cho phép quân đội Trung Quốc tiếp cận căn cứ Ream, đổi lại việc tài trợ cho các nâng cấp căn cứ này”. Báo cáo cũng cho biết các tàu nạo vét có thể được nhìn thấy trong bức ảnh của chính phủ Campuchia công bố trong tháng vừa qua và trong các bức ảnh vệ tinh thương mại. Theo báo cáo, những hình ảnh cho thấy việc xây dựng trên bờ tại Ream vẫn đang được tiếp tục, việc xây dựng trên bờ và các tàu nạo vét cho thấy căn cứ đang chuẩn bị cho những nâng cấp hạ tầng quan trọng.

Phản ứng trước thông tin của CSIS, hãng tin Reuters đưa tin: “Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cân nhắc lại những lo ngại nghiêm trọng, về hoạt động xây dựng và sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại căn cứ Ream, những diễn biến này đe dọa lợi ích của Mỹ và các đối tác an ninh khu vực và chủ quyền của Campuchia”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Mỹ cũng kêu gọi Campuchia “minh bạch hoàn toàn về ý định, bản chất và phạm vi của dự án tại Ream, và vai trò của quân đội Trung Quốc trong việc xây dựng căn cứ”.

Tháng 06/2021, Campuchia xác nhận Trung Quốc đang hỗ trợ quốc gia này nâng cấp căn cứ hải quân Ream, bao gồm việc hiện đại hóa, mở rộng căn cứ và giúp Campuchia có một địa điểm thích hợp, một xưởng sửa chữa tàu bè và một bến cảng neo đậu. Lời xác nhận liên quan tới Trung Quốc và cảng Ream được đưa ra sau khi một số báo, đài của Mỹ cáo buộc Phnom Penh cho phép Bắc Kinh lập căn cứ quân trên đất của Campuchia. Năm 2022, những bức ảnh mới nhất của CSIS đã cho thấy sự hiện diện trực tiếp của quân đội Trung Quốc. Theo tốc độ xây dựng hiện tại, thì các chuyên gia ước tính khi nâng cấp xong, quân cảng này sẽ có thể chứa được các tàu có trọng tải lên đến 5.000 tấn. Dù phía Campuchia liên tục phủ nhận rằng đó chỉ là các con tàu của các hãng tư nhân của Trung Quốc được gọi thuê để nạo vét cảng. Tuy nhiên vải thưa thì không thể che được mắt thánh.

Ngay từ những bước động thổ đầu tiên, Hoa Kỳ đã giám sát chặt chẽ nó qua vệ tinh và thông tin tình báo. Ngay cả khi vấn đề Nga – Ukraina đang căng thẳng cũng không rời mắt khỏi nơi đây. Trung Quốc hiện nay còn thúc đẩy việc xây kênh đào Kra của Thái Lan, là một phần của chính sách “Vành đai và Con đường” do ông Tập Cận Bình vạch ra. Không những vậy, Trung Quốc còn liên tục kêu gọi các nước xung quanh như Myanmar, Campuchia và cả Việt Nam ủng hộ họ xây con kênh đào này và hứa hẹn những lợi ích có được, kênh đào Kra dự kiến sẽ tiêu tốn khoảng 20 đến 30 tỷ USD, tùy theo tuyến xây dựng và có thể mất đến 10 năm để hoàn thành. Tuy nhiên, nó sẽ giúp tiết kiệm được khoảng 1.200 km quãng đường di chuyển so với các lộ trình hàng hải hiện nay qua eo biển Malacca, nơi 84.000 tàu thuyền và 30% giao thông toàn cầu đi qua mỗi năm. Nếu kênh đào được xây thì Malaysia và Singapore sẽ thiệt hại một phần, thế nhưng eo biển Malacca thì vẫn là tuyến giao thông quan trọng giữa vịnh Ba Tư và Indonesia hoặc Australia. Trong khi đó thì Myanmar, Campuchia và Việt Nam thì sẽ có lợi nhờ quãng đường sang Ấn Độ Dương được rút ngắn.
Con dao sau lưng

Dù Ream là một vị trí đắc địa cho việc phá vỡ thế tiến thoái lưỡng nan ở Malacca, nhưng nó thì có một điểm yếu cố hữu đó là chỉ có thể chứa được các tàu 5.000 tấn, tức là khinh hạm hoặc tàu hộ vệ. Chính vì vậy, quân bài thứ hai được tung ra tại Campuchia, ngoài Ream Trung Quốc hiện tại vẫn còn một dự án nữa được xem là quân sự đội lốt du lịch. Dự án Dara Sakor – tỉnh Koh Kong, với tổng giá trị lên tới 3,8 tỷ USD, là một phần trong sáng kiến vành đai và con đường. Dự án này sẽ được xây dựng theo từng giai đoạn, đầu tiên là một sân bay quốc tế, tiếp đến là một cảng nước sâu, sau đó là các nhà máy và khu nghỉ dưỡng. Một điều đáng nói ở dự án này, đó là không biết Bộ Tài chính Campuchia tính nhầm hay là họ quá giàu mà giá thuê khu đất 40.000 ha hướng ra biển trong 99 năm rẻ gần như cho, chỉ là 1 triệu USD/năm – tức là tính ra Trung Quốc chỉ phải trả 25 USD/1ha/năm, và các doanh nghiệp của Trung Quốc được miễn thuế 10 năm đầu.

Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu quy mô của các công trình không để lại cho người ta nhiều nghi vấn.

Thứ nhất, dự án này trái với pháp luật của Campuchia. Theo luật của đất nước này thì doanh nghiệp nước ngoài chỉ được phép thuê đất 99 năm với diện tích là dưới 10.000ha, tức là dự án này đã gấp 4 lần quy định cho phép. thế nhưng bằng cách nào đó nó vẫn được thông qua.

Thứ hai, theo dự án này sân bay sẽ dài 3.400m và có công suất là 10 triệu hành khách mỗi năm, gấp đôi công suất tại sân bay Phnom Penh và gấp hơn 40 lần số lượng khách đến sân bay Sihanoukville. Một sân bay với chiều dài đủ sức để cho bất kỳ một máy bay chiến đấu nào của Trung Quốc có thể cất hoặc hạ cánh ở đây.

Thứ ba, việc xây dựng cảng nước sâu không thích hợp để đón tàu khách du lịch, chưa kể quy mô cảng này là quá lớn để có thể tiếp đón các tàu có trọng tải là 10.000 tấn, và thật trùng hợp trọng tải này lại phù hợp với đa phần các tàu khu trục và khinh hạm của Trung Quốc.

Hơn nữa xét về vị trí, nơi này khá là hoang vu cách khá xa với các thành phố tấp nập, ngay cả với những nơi mà người Trung Quốc kinh doanh. Dù chính quyền Campuchia liên tục khẳng định nơi này được dùng với mục đích dân sự và du lịch, thế nhưng như đã nói “vải thưa thì không che nổi mắt thánh”.

Ngay từ khi nó bắt đầu, đã bị đưa vào tầm ngắm của dư luận, đặc biệt là phía Hoa Kỳ. Họ cho rằng Trung Quốc muốn biến nơi đây thành một căn cứ quân sự, các nhà phân tích đến từ Hoa Kỳ đều có chung nhận định rằng: “Một khả năng là nó sẽ gây áp lực cho các cơ sở quân sự chiến lược của Việt Nam đóng tại Cam Ranh. Một căn cứ quân sự tại Koh Kong sẽ buộc Hà Nội phải hướng sự chú ý nào đó sang phía Tây, do đó Koh Kong chắc chắn có thể sẽ gây phức tạp cho việc lập kế hoạch của Việt Nam cho một cuộc xung đột vũ trang trong tương lai”.

Việt Nam hiện đang là đối thủ hàng đầu và là tấm đê ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông, quan hệ Việt – Mỹ sở dĩ có thể tốt lên nhanh chóng chính là nhờ chính sách của Hà Nội chống lại tham vọng nuốt chửng Biển Đông của Bắc Kinh, và Trung Quốc đương nhiên là biết điều này nên họ đã biến Campuchia thành một cái gai khó chịu khiến Việt Nam phải phân tán sự chú ý.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn chống lại những tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông, vì vậy Trung Quốc cần một quân bài hữu hiệu để khắc chế điều này. Các bạn hãy nhớ rằng trong quá khứ Khmer Đỏ tồn tại được chính là nhờ Trung Quốc viện trợ, gây ra căng thẳng trên hai đầu đất nước buộc Việt Nam phải căng mình đối phó.

Khi có căn cứ tận Campuchia, “một mũi tên đã trúng hai đích”, Trung Quốc vừa kiềm chế vừa tạo ra mối đe dọa tiềm tàng của Việt Nam, vừa khắc phục điểm yếu của mình với Mỹ nếu xung đột xảy và tạo bàn đạp giúp họ khống chế khu vực và vươn ra biển lớn.

BDN

Aufrufe: 113

Related Posts