Berlin (EAST SEA) Thứ Tư, Tháng Chín 13th, 2023 / 19:27

Xe lửa bọc thép chở nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đến Nga

Hôm 12.9, Hãng thông tấn KCNA đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un của CHDCND Triều Tiên sẽ đến Nga vào rạng sáng cùng ngày (giờ địa phương) cho cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Vladimir Putin.

Nhà lãnh đạo Kim “đã rời Triều Tiên trưa 10.9 để công du Liên bang Nga” và được tháp tùng bởi các quan chức cấp cao của Đảng Lao động Triều Tiên, các cơ quan chính phủ và phía đại diện quân đội.

KCNA không thông báo vị trí đoàn tàu bọc thép chở ông Kim trong bản tin sáng 12.9, cũng như không đề cập liệu đoàn tàu đã đi qua biên giới Nga hay không.

Một ngày trước đó, hãng thông tấn cũng đã xác nhận chuyến công du của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Điện Kremlin cũng đưa thông tin về chuyến thăm.

Xác nhận của Triều Tiên đã chấm dứt những ngày đồn đoán sau khi Mỹ và các quan chức nước khác cho rằng ông Kim nhiều khả năng chuẩn bị đến Nga và gặp ông Putin ở thành phố Vladivostok để bàn về những vấn đề song phương, trong đó có vũ khí.

Đây cũng là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Triều Tiên rời nước kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ.

Đài YTN của Hàn Quốc dẫn các nguồn thạo tin cho rằng cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Triều Tiên sẽ diễn ra hôm 13.9 tại Vladivostok.

Sự kiện Diễn đàn Kinh tế Phương Đông ở thành phố trên sẽ khép lại hôm 13.9.

Mỹ: Triều Tiên sẽ phải “trả giá” nếu cung cấp vũ khí cho Nga

Đoàn tàu bọc thép của ông Kim với vận tốc 60 km/giờ dự kiến mất khoảng 20 giờ để vượt qua 1.100 km từ Bình Nhưỡng đến Vladivostok. Tàu được cho sẽ dừng lâu ở biên giới Nga-Triều Tiên để thay bánh phù hợp cho đường ray Nga.

Chuyến công du nước ngoài gần nhất của ông Kim trong năm 2019 cũng là tới Vladivostok để dự hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Putin.

Nhà Trắng gần đây cảnh báo Bình Nhưỡng “sẽ trả giá đắt” nếu cung cấp vũ khí cho Nga trong lúc chiến sự Ukraine đang nổ ra.

Láng giềng của Triều Tiên là Hàn Quốc hiện xuất khẩu vũ khí, khí tài cho nhiều nước và đã bán xe tăng cho Ba Lan, đồng minh của Ukraine. Chính quyền Seoul duy trì chính sách cấm bán vũ khí để sử dụng cho vùng chiến sự. Tuy nhiên, Hàn Quốc được cho là đã cung cấp đạn dược cho Mỹ và đồng minh để bù lại lượng đạn dược mà các nước này cung cấp cho Ukraine.

BDN

Aufrufe: 119

Related Posts