Berlin (EAST SEA) Thứ Ba, Tháng Sáu 6th, 2017 / 11:41

Mỹ tuyên bố giảm căng thẳng tại vùng Vịnh

Ngày 5/6, Nhà Trắng tuyên bố Mỹ cam kết sẽ góp phần xoa dịu căng thẳng ở vùng Vịnh sau khi một loạt các quốc gia Arab quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar.

Phát biểu tại buổi họp báo, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders nêu rõ: “Tổng thống Mỹ cam kết sẽ tiếp tục đối thoại với tất cả các bên liên quan đến tiến trình này, với tất cả các nước có liên quan”. Đại diện Nhà trắng nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn tiếp tục xoa dịu căng thẳng”.

(Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders. Ảnh: AFP)

Trong khi đó cùng ngày, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Australia, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã nỗ lực giảm bớt tác động nghiêm trọng của mâu thuẫn ngoại giao tại Trung Đông tới chiến dịch chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Ông Mattis cho biết: “Tôi tự tin rằng sẽ không có bất kỳ hệ quả nào đến từ tình hình căng thẳng này”.

Lập trường của giới chức Mỹ được đưa ra sau khi Saudi Arabia, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Ai Cập tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, với cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố. Cùng ngày, Libya, Yemen và Maldives cũng cắt đứt quan hệ ngoại giao với quốc gia vùng Vịnh này.

Trong khi đó, Qatar đã bác bỏ những cáo buộc này, gọi đây là những cáo buộc “phi lý” và “vô căn cứ”. Ngoại trưởng Qatar Rahman đã kêu gọi “một cuộc đối thoại cởi mở và trung thực” để giải quyết khủng hoảng.

Trong bài phát biểu được phát trên kênh truyền hình Qatar Al Jazeera, nhà ngoại giao này khẳng định Qatar sẽ không để tình hình leo thang, đồng thời nhấn mạnh “mối quan hệ giữa Qatar và Mỹ là chiến lược”.

Ông Abdul Rahman cũng cho biết Quốc vương Kuwait Sheikh Sabah đã có buổi nói chuyện với Quốc vương Qatar Tamim Bin Hamad Al Thani tối 5/6. Trong đó, Quốc vương Sabah kêu gọi Qatar kiềm chế và tạo cơ hội cho những nỗ lực xoa dịu căng thẳng. Dự kiến Quốc vương Qatar sẽ có bài phát biểu trong ngày 6/6 nhằm xoa dịu tình hình.

Mối quan hệ giữa Qatar với các nước thành viên khác trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), với nòng cốt là Saudi Arabia, cùng với Ai Cập vốn đã căng thẳng trong thời gian dài. Các nước Arab và vùng Vịnh lâu nay cáo buộc Qatar hỗ trợ về chính trị, truyền thông và tài chính cho các nhóm nổi dậy cũng như các tổ chức khủng bố, cực đoan ở các nước trong khu vực như Libya, Ai Cập, Syria, Yemen, Tunisia…

Saudi Arabia còn cáo buộc Qatar không tôn trọng các nguyên tắc của GCC khi muốn tăng cường quan hệ với Iran, một địch thủ khu vực của các nước GCC.

Khủng hoảng ngoại giao bùng phát sau các phát biểu của Qatar chỉ trích các tuyên bố chống Iran của các quốc gia láng giềng vùng Vịnh, đặc biệt sau khi các nhà lãnh đạo GCC gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh các nước Hồi giáo ở Riyadh mới đây để thể hiện sự đoàn kết trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố cũng như sự can thiệp của Iran ở khu vực này.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho biết Washington “không muốn chứng kiến sự rạn nứt vĩnh viễn” giữa các quốc gia láng giềng Arab và vùng Vịnh. Nguồn tin cho biết Mỹ sẽ cử đại diện tham dự nếu các nước GCC tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh để thảo luận về tình hình căng thẳng hiện tại. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định tầm quan trọng của “tất cả các quan hệ đối tác của Washington tại vùng Vịnh” và bày tỏ mong muốn các bên tìm ra con đường giải quyết bất đồng càng sớm càng tốt.

Giới quan sát khu vực cho rằng các quốc gia Arab vùng Vịnh và Qatar cần phải kiềm chế và nỗ lực giải quyết bất đồng thông qua đối thoại. Cũng theo giới phân tích, cuộc khủng hoảng ngoại giao nếu không được giải quyết dứt điểm có thể đẩy khu vực vào một viễn cảnh phức tạp hơn, trong bối cảnh Trung Đông đang đối mặt với các cuộc khủng hoảng chưa có lối thoát như cuộc chiến tranh ở Syria, Yemen, xung đột ở Libya, cũng như các thách thức từ chủ nghĩa khủng bố và cực đoan./.

Aufrufe: 57

Related Posts