Berlin (EAST SEA) Thứ Tư, Tháng Sáu 7th, 2017 / 05:27

Vấn đề Biển Đông tại Đối thoại Shangri-la 2017

7.6.2017

Cân bằng thế nào trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc là một câu hỏi lớn cho các nước nhỏ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Duy trì cân bằng quan hệ với 2 siêu cường này là việc cần làm, để bảo vệ chính mình cũng như hòa bình, ổn định và phồn vinh chung trong khu vực.

Sau cuộc họp, các nhà tổ chức Đối thoại Shangri-la năm nay đã xác định 3 điểm nóng tiềm ẩn đe dọa sự ổn định trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đó chính là: chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, quân sự hóa Biển Đông và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở Đông Nam Á.

Các hãng truyền thông trên thế giới nhận định về Đối thoại Shangri-la rằng: Kể từ khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump theo đuổi chính sách “nước Mỹ là trên hết” của ông, ngày càng có nhiều quan ngại từ các nước đồng minh và đối tác về vai trò của Hoa Kỳ tại châu Á trong tương lai. Từ trước đến nay, Mỹ được coi là cường quốc quân sự mạnh nhất khu vực châu Á –  Thái Bình Dương kể từ Chiến tranh Thế giới II.

Trong diễn văn khai mạc Đối thoại Shangri-la năm nay, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã bày tỏ sự thất vọng về việc ông Donald Trump rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương lẫn Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên ông Turnbull cũng kêu gọi các đồng minh, đối tác của Mỹ cần kiên nhẫn với chính quyền mới của Hoa Kỳ. Chẳng riêng gì các nước đồng minh và đối tác của Mỹ hoài nghi, ngay cả các quan chức cấp cao lẫn học giả Hoa Kỳ cũng cảm thấy lo lắng và khó hiểu về “những phát ngôn mâu thuẫn” từ chính quyền Donald Trump.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng William Cohen cũng đưa ra lời nhận xét: “Điều mà các đồng minh của bạn mong muốn là tính dự báo, tính nhất quán và tính liên tục (trong chính sách của Hoa Kỳ với khu vực châu Á – Thái Bình Dương).Đối với tôi, điều đáng lo ngại nhất là tôi không biết kế hoạch chiến lược của Mỹ là gì”.

“Bài ngửa” của Mỹ về Biển Đông

Người ta cho rằng, đã có những dấu hiệu cho thấy chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump “lật bài ngửa” trong chính sách an ninh đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương qua phát biểu của ông James Mattis tại Đối thoại An ninh Shangri-la.

Về Biển Đông, tướng James Mattis nhắc lại những tuyên bố lên án Trung Quốc quân sự hóa bất hợp pháp đảo nhân tạo, đe dọa an ninh và tự do hàng hải – hàng không trên Biển Đông, phá vỡ luật pháp quốc tế… và khẳng định: Châu Á – Thái Bình Dương vẫn là một ưu tiên của Mỹ, cũng không quên: Nỗ lực chính của Washington là xây dựng liên minh, tuy nhiên “các nước phải đóng góp đầy đủ cho an ninh của chính họ”.

Nói cách khác, trên Biển Đông, Mỹ chỉ bảo vệ lợi ích và vị thế của chính mình liên quan đến tự do và an ninh hàng hải – hàng không, trật tự khu vực dựa trên luật pháp quốc tế sau Chiến tranh Thế giới II, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Đó là lợi ích sát sườn của Mỹ, nhưng đồng thời cũng là lợi ích chung của cả khu vực.

Mỹ không quan tâm đến các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các bên, mà chỉ quan tâm đến các yêu sách hàng hải quá mức do giải thích, áp dụng sai Công ước có thể hạn chế tự do – an ninh hàng hải và lợi ích hợp pháp của cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ.

Các nước phải đóng góp đầy đủ cho an ninh của chính họ?

“Đóng góp đầy đủ” trong trường hợp này có thể hiểu là:

Thứ nhất, “thân ai người nấy lo, của ai người nấy giữ”. Mỹ không làm “cảnh sát” cho các nước, nhất là các vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.

Thứ hai, nếu muốn Mỹ cung cấp “chiếc ô an ninh”, thì đồng minh hoặc đối tác của Hoa Kỳ phải có nghĩa vụ chi trả, đóng góp đầy đủ. Một minh chứng ở đây là: Nhật Bản và Hàn Quốc đều phải bỏ tiền nuôi lực lượng quân sự Mỹ đồn trú tại 2 quốc gia này để giúp họ đối phó với nguy cơ từ Triều Tiên. Nhật Bản “đóng góp đầy đủ” thì chính quyền Mỹ công khai tuyên bố rằng Senkaku/Điếu Ngư nằm trong phạm vi Hiệp ước an ninh song phương. Nói cách khác, nếu Trung Quốc tấn công đánh chiếm quần đảo này, Mỹ có trách nhiệm can thiệp bảo vệ Nhật Bản.

Cũng là đồng minh hiệp ước, nhưng Philippines “đóng góp không đầy đủ”, thậm chí còn phải trông chờ viện trợ từ Hoa Kỳ, nên năm 2012 Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát Scarborough, Mỹ không can thiệp.

Nhìn nhận vấn đề theo hướng tiếp cận này thì có thể lý giải một phần lý do tại sao Hạm đội 7 làm ngơ cho Trung Quốc chiếm nốt nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đang do Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đóng giữ theo Hiệp định Geneva 1954, cho dù Mỹ là đồng minh.

Đó là chưa kể đến cục diện quan hệ quốc tế thời kỳ đó, Mỹ – Trung đang tìm cách bắt tay nhau cùng đối phó với Liên Xô sau chuyến thăm lịch sử của Richard Nixon đến Trung Quốc năm 1972.

Chỉ một sự làm ngơ đó thôi, đã là lễ vật hậu hĩnh Nhà Trắng dành cho Trung Nam Hải.

Cách tránh âm mưu bành trướng của Trung Quốc

Như vậy, các nước ven Biển Đông hiện nay chỉ có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình khỏi âm mưu bành trướng của Trung Quốc theo 2 cách:

Một là tự lực tự cường, nâng cao khả năng phòng thủ đồng thời tìm cách hợp tác song phương, đa phương để bảo vệ hòa bình, ổn định và duy trì hiện trạng ở Biển Đông, cho dù hiện trạng đã bị Trung Quốc thay đổi nhiều.

Trong phương án này, phối hợp chặt chẽ với sự hiện diện của Hoa Kỳ, Nhật Bản trong khu vực, thắt chặt hợp tác trong nội khối ASEAN cũng như giữa ASEAN với các quốc gia, tổ chức khác là cần thiết.

Đặc biệt là phải lưu ý đến việc xử lý các tranh chấp, bất đồng đựa vào luật pháp quốc tế, trên cơ sở bảo vệ hòa bình và hợp tác, thì hợp tác với Trung Quốc có vai trò quan trọng.

Hai là chấp nhận “đóng góp đầy đủ” để thuê Mỹ bảo vệ an ninh, như Nhật Bản và Hàn Quốc đã và đang làm.

Với những gì đang diễn ra, phương án thứ nhất dường như là ưu tiên và lựa chọn của gần như tất cả các nước ven Biển Đông, bởi không ai muốn mình rơi vào thế kẹt: “trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết”.

Tình thế ngày nay đã khác xưa, cho dù ai đó muốn thuê Mỹ bảo đảm an ninh, đã chắc gì Hoa Kỳ nhận lời? Donald Trump sẽ phải đưa tất cả lên bàn cân kinh tế.

Một bên là túi tiền và thị trường Trung Quốc không thể bỏ qua, một bên là một hay một vài nước nhỏ muốn dựa vào Mỹ để cân bằng với Trung Quốc.

Câu trả lời như thế nào chỉ có người Mỹ mới biết.

Tiêu điểm của Đối thoại Shangri-la là Biển Đông

Trước đối thoại Shangri-la, Biển Đông vẫn là một chủ đề nóng thu hút sự quan tâm và bày tỏ thái độ của các cường quốc chứ không phải vấn đề Triều Tiên như mọi người đồn đoán. Điều này rất có lợi cho phương án đấu tranh bảo vệ hòa bình – ổn định và trật tự dựa trên luật pháp, để phát triển phồn vinh.

Điều đặc biệt của Đối thoại là 3 vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ – Nhật – Úc khi gặp nhau bên lề Đối thoại Shangri-la đã cùng lên án hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Hoa Đông mà Trung Quốc theo đuổi và ủng hộ Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông ngày 12/7/2016.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói: Việc xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa các cấu trúc trên vùng biển quốc tế sẽ làm suy yếu sự ổn định trong khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada phát biểu: Tokyo lo ngại về những thay đổi an ninh ở Biển Đông và Hoa Đông mà Trung Quốc phải chịu trách nhiệm chính: Ở Hoa Đông và Biển Đông, chúng tôi liên tục chứng kiến những nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng dựa trên các yêu sách không phù hợp với luật pháp quốc tế hiện hành. Về Biển Đông, Phán quyết Trọng tài được đưa ra là phán quyết cuối cùng.

Tuyên bố chung cũng kêu gọi “đối thoại, hợp tác và cam kết” với Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh cam kết bảo vệ luật pháp quốc tế và tự do hàng hải – hàng không. Kêu gọi tất cả các bên yêu sách “ngăn chặn các hoạt động bồi lấp, làm phi quân sự hóa các cấu trúc tranh chấp, tránh các hành động khiêu khích có thể leo thang căng thẳng.

Phản ứng của phái đoàn Trung Quốc năm nay cũng khá dè dặt chứ không hùng hổ như mọi năm.

Trưởng đoàn Trung Quốc, Trung tướng Hà Lôi tổ chức họp báo phân trần: Tôi muốn lưu ý rằng, tự do hàng hải không phải bằng giám sát chặt chẽ và các hoạt động quân sự, do các máy bay chiến đấu và tàu chiến Hoa Kỳ tiến hành ở vùng trời, vùng biển “chủ quyền” của Trung Quốc.

Về vấn đề Triều Tiên và Đài Loan

Biển Đông không phải là câu chuyện của riêng các nước có yêu sách, mà là một vấn đề an ninh nóng bỏng của khu vực, toàn cầu.

Bởi lẽ đây là nơi diễn ra sự cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ, tất nhiên bao gồm cả nguyên nhân căng thẳng từ yêu sách bành trướng và tham vọng độc chiếm vùng biển này làm ao tù của Bắc Kinh.

Chính vì vậy, cục diện Biển Đông có liên hệ chặt chẽ, biện chứng với cấu trúc và cục diện an ninh châu Á – Thái Bình Dương, tức nằm trong bàn cờ chiến lược lớn hơn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Vì thế một nước cờ nào đó diễn ra ở Đông Bắc Á, có thể ảnh hưởng ngay lập tức đến cục diện Đông Nam Á, đặc biệt là Biển Đông.

Chính điều này khiến nhiều đồng minh, đối tác của Mỹ lo ngại khi thấy Tổng thống Donald Trump tìm cách thỏa hiệp với Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên, chấp nhận tạm gác Biển Đông qua một bên.

Hiệu chỉnh thứ hai là các tuyên bố mạnh mẽ về Biển Đông, Triều Tiên tại Đối thoại Shangri-la.

Còn vấn đề đảo Đài Loan, vì phái đoàn Trung Quốc đặt câu hỏi, ông James Mattis đã không ngần ngại trả lời thẳng:

Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn kiên định làm việc với Đài Loan và chính quyền dân chủ của họ, để cung cấp cho họ các thiết bị quốc phòng cần thiết, phù hợp với nghĩa vụ được quy định trong Đạo luật Quan hệ với Đài Loan.

Bởi vì chúng tôi đứng ra giải quyết một cách hòa bình với bất kỳ vấn đề nào theo cách thức mà người dân hai bờ eo biển Đài Loan có thể chấp nhận được.

Hoa Kỳ vẫn cam kết thực hiện chính sách ‘một nước Trung Quốc.

Bản chất quan hệ Mỹ – Đài hay Mỹ – Trung không có gì thay đổi, cho dù đã có những phát biểu và động thái khác nhau từ chủ nhân Tòa Bạch Ốc.

Đài Loan vẫn là con bài chiến lược dự trữ rất có giá trị của Hoa Kỳ ở châu Á – Thái Bình Dương.

Một cú điện đàm giữa Tổng thống Donald Trump với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hay việc quay sang nhắc lại tôn trọng cam kết ‘một nước Trung Quốc’ với ông Tập Cận Bình chỉ là những nước cờ chiến thuật, nhằm tối đa hóa lợi ích cho Mỹ thông qua đòn bẩy này mà thôi.

Nên cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc

Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục vừa hợp tác, vừa cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu nói chung, đặc biệt tập trung vào châu Á – Thái Bình Dương nói riêng.

Cân bằng quan hệ với 2 siêu cường Trung – Mỹ là việc cần làm và cần phải làm tốt, để bảo vệ chính mình cũng như hòa bình, ổn định và phồn vinh chung cho khu vực.

Chớ thấy vốn giá rẻ của “Một vành đai, một con đường” được Trung Quốc chào mời mà vội mừng, chớ thấy Mỹ rút khỏi TPP hay Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu mà vội lo.

Mặt khác, Mỹ còn phải tìm mọi cách tăng cường hợp tác với Trung Quốc, xử lý vấn đề đối tượng trên cái nền đối tác thì cũng đừng quốc gia nào trong khu vực nghĩ rằng hãy theo Mỹ để chống Trung Quốc.

Hoa Kỳ không chống Trung Quốc, nhưng Hoa Kỳ có những lợi ích bị Trung Quốc xâm hại mà phải bảo vệ. Hoa Kỳ cũng là lực lượng đối trọng cân bằng với Trung Quốc.

Do đó, các quốc gia trong khu vực nên học tập Singapore trong việc dùng luật pháp quốc tế làm lăng kính soi rọi các quyết sách của mình. Cái cần phải đấu tranh chống lại là các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, chứ không phải đối đầu chống lại nước lớn.

Donald Trump và Tập Cận Bình làm gì cũng có tính toán cẩn thận, các nước nhỏ cần nghiên cứu kỹ chính sách và xu hướng của hai nhà lãnh đạo này để tối đa hóa lợi ích, tối thiểu hóa rủi ro cho quốc gia mình trong bàn cờ chiến lược châu Á – Thái Bình Dương./.

(Biendong.net)

Aufrufe: 93

Related Posts