Berlin (EAST SEA) Thứ Tư, Tháng Chín 27th, 2017 / 00:01

Chiến lược biển đông của Australia khiến TQ lo ngại

Tàu chiến Úc tuần tra trên biển

Một hạm đội gồm 6 tàu chiến Australia đang trực chỉ Biển Đông để thực hiện hành trình dài 2 tháng bao gồm các cuộc diễn tập quân sự và các chuyến đi ghé thăm các hải cảng trong khu vực. Động thái này lập tức bị truyền thông Nhà nước Trung Quốc đả kích như một hành động nhằm ‘vây hãm’ Trung Quốc.

Theo Daily Telegraph (Anh), chính phủ của Thủ tướng Malcolm Turnbull đã xúc tiến kế hoạch đã ấp ủ từ lâu là điều Hải quân Australia tham gia các cuộc tập trận quy mô trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, được coi là nhiệm vụ tác chiến lớn nhất của Australia trong hơn 30 năm qua.

Dẫn đầu hạm đội Australia gồm các tàu chiến HMAS Melbourne, HMAS Darwin, HMAS Toowoomba, HMAS Parramatta và HMAS Sirius, là tàu đổ bộ trực thăng lớp Canberra HMAS Adelaide, tàu chiến lớn nhất được chế tạo cho Hải quân Hoàng gia Australia. Tàu này được hải quân Australia miêu tả là “một trong những tàu chiến không-thủy-bộ lợi hại nhất trên thế giới, giúp Australia củng cố khả năng chiến đấu trên các vùng biển lớn quanh lục địa Australia. Với trọng tải 27.000 tấn, chiều dài 230 m và chiều rộng 32 m, ngoài thủy thủ đoàn 325 người, tàu có thể chở theo 18 trực thăng, hơn 1.000 binh sĩ được trang bị vũ khí đầy đủ cùng 110 xe tải, xe bọc thép và xe tăng. HMAS Canberra còn có cả một bệnh viện 3 tầng với 56 giường. Tàu được hạ thủy vào thời điểm căng thẳng đang lớn dần ở Biển Đông sau những hành động hung hăng của Trung Quốc để khẳng định tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Trong một bài phân tích về sức mạnh của Hải quân Australia cách đây vài năm đăng trên trang mạng chinamil, Tiến sĩ Hùng Chí Vĩnh, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc, cảnh giác về sự lợi hại của các chiến hạm lớp Canberra. Ông Vĩnh nói khi 2 chiếc tàu đổ bộ chiến đấu lớp Canberra của Hải quân Australia đi vào hoạt động, nó sẽ trở thành “mối đe dọa lớn nhất đối với chiến lược của Bắc Kinh trên Biển Đông”.

Các chi tiết về lộ trình của hạm đội Australia khởi hành từ hôm 4/9 trong một sứ mệnh kéo dài 2 tháng, vẫn chưa được công bố. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne cho biết nhiệm vụ của hạm đội này là “chứng minh khả năng của Lực lượng Quốc phòng Australia tiến hành một loạt hoạt động quân sự, từ chiến tranh chống tàu ngầm, cho tới các hoạt động cứu trợ nhân đạo và hỗ trợ thiên tai”.
Ý nghĩa chiến lược sâu xa hơn của động thái của Canberra, điều hạm đội Australia đến Biển Đông, điểm nóng của thế giới nơi xung đột quân sự có thể xảy ra, là để chứng tỏ quyết tâm của Australia muốn duy trì sự hiện diện tại Tây Thái Bình Dương, theo tinh thần các Sách Trắng Quốc phòng Australia từ năm 2009, 2013 và 2016.

Theo Daily Telegraph, đã có các cuộc thảo luận cấp Bộ trưởng để xác định lập trường của Canberra về các cuộc tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông và bàn về những giải pháp chiến lược của Australia cho khu vực Tây Thái Bình Dương.
Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc nói từ trước tới nay, Australia vẫn chú trọng tới vấn đề ngăn chặn di dân và tị nạn, nhưng các cuộc diễn tập quân sự và các chuyến cập cảng của hạm đội Australia trong sứ mệnh lần này là “tự nguyện và bất thường”.

Tờ Thời báo Hoàn cầu viết: “Rõ ràng Canberra muốn chứng tỏ sức mạnh của mình, củng cố quan hệ với các nước láng giềng, và đóng một vai trò lớn hơn trong an ninh khu vực”. Tuy nhiên, tờ báo cảnh cáo rằng khi sử dụng các lực lượng quân sự của mình trong khu vực hay xa hơn, “Canberra tự đẩy mình vào thế chấp nhận vai trò thứ yếu, theo chân Mỹ, rập khuôn theo lập trường của Mỹ”.

Australia từ trước tới giờ vẫn tự coi mình như một cường quốc bậc trung, không hoàn toàn độc lập về mặt an ninh. Nhưng tình hình thế giới đã thay đổi từ khi Tổng thống Trump lên nhậm chức tại Mỹ. Có dấu hiệu cho thấy Mỹ không tha thiết với việc đóng một vai trò tích cực trong các vấn đề an ninh khu vực, thậm chí có thể triệt thoái khỏi khu vực châu Á-Thái Bình Dương nếu làm như vậy có thể phục vụ các lợi ích chiến lược riêng của mình.

Các nhà chiến lược Australia tin rằng một nước Trung Quốc hùng mạnh, quyết đoán hơn, có thể mang lại một số bất định cho khu vực. Mặc dù không có cách nào có thể thay thế được cường quốc số 1 thế giới, Canberra muốn tập hợp các nước láng giềng để cùng nhau, cưỡng lại chính sách bành trướng của Trung Quốc.
Bài viết của Thời báo Hoàn cầu trích lời Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull phát biểu tại cuộc Đối thoại Shangri-La hồi đầu năm nay, ví von trật tự mới tại vùng châu Á-Thái Bình Dương là “Cá lớn nuốt cá bé, cá bé nuốt tôm tép”, để bình luận rằng Canberra không giấu giếm ý định muốn trở thành phát ngôn viên của “các con cá bé và tôm tép.” Tác giả bài viết, một nhà nghiên cứu tại Học viện Quốc phòng Quân đội Nhân dân Trung Quốc, lưu ý rằng trong thời gian gần đây, Australia đã tìm cách ve vãn Nhật Bản và Ấn Độ để mưu tìm một vai trò lớn hơn trong ASEAN và khu vực.

Australia tỏ ý muốn độc lập khỏi Mỹ và sẵn sàng hành động một mình dù cho Mỹ có mặt hay không. Tác giả cảnh báo: “Canberra cần phải thận trọng để tránh bị sa lầy trong các cuộc tranh chấp khu vực ở biển Hoa Đông và Biển Đông… Australia nên duy trì sự trung lập của mình thay vì “kết bè kết đảng” với các nước khác. Dù gì đi nữa, Australia cũng nằm bên ngoài khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông”.
Ngân sách quốc phòng của Australia trong năm tài chính 2017-2018, là 27,4 tỷ đô la. Bộ Quốc phòng Australia cho biết trước năm 2021, sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên tới 2% GDP. Như vậy, Australia sẽ là một trong những nước có tỷ lệ tăng ngân sách quốc phòng nhanh nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Aufrufe: 27

Related Posts