Berlin (EAST SEA) Thứ Tư, Tháng Chín 27th, 2017 / 08:00

Hợp tác Ấn Độ và Nhật Bản về Biển Đông

Trung Quốc hiện là cường quốc kinh tế và quân sự mạnh nhất châu Á và cuộc gặp giữa lãnh đạo các nước Ấn Độ và Nhật Bản hồi tuần trước chính là một bước đi đầu tiên nhằm khởi động nỗ lực kiềm chế cường quốc này. Hôm 18/9, các ngoại trưởng của Nhật Bản và Ấn Độ, hai quốc gia có khả năng làm đối trọng khu vực của Trung Quốc, cùng người đồng cấp từ Mỹ lại gặp gỡ nhau trước thềm phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Trong cả hai lần gặp này, họ đều khéo léo tránh chỉ thẳng tên Trung Quốc. Tuy nhiên, Chính quyền Bắc Kinh luôn là một mối lo ngại của Ấn Độ và Nhật Bản trong nhiều thập kỷ qua. Những tuyên bố từ các cuộc họp này cho thấy hai bên đã bàn về cách thức kiềm chế sự bành trướng trên biển của Trung Quốc cùng nỗ lực mở rộng phạm vi ảnh hưởng của họ trên khắp châu Á.

Ngày 15/9, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết tuyên bố chung của hai Thủ tướng Nhật-Ấn đã không nhắc đến từ “Trung Quốc”. Phát ngôn viên này nói với báo giới nếu muốn biết liệu có phải hai nước này đang âm mưu một chính sách ngầm nào đó hay không, hãy đến hỏi thẳng chính phủ của họ. Nhân vật này nói thêm rằng Trung Quốc ủng hộ đối thoại nhằm giải quyết các tranh cãi về sự tự do di chuyển trên biển. Kiểu trả lời nước đôi này của Trung Quốc có lẽ là lời đáp trả quen thuộc mà họ dành cho chính sách ngoại giao của Ấn Độ-Nhật Bản-Mỹ.
Trung Quốc có lẽ đang hành động như vậy để tránh bị chỉ trích. Để củng cố các tuyên bố chủ quyền với hầu hết 3,5 triệu km2 Biển Đông, nơi có 5 chính quyền khác cũng cho rằng vùng nước này thuộc về họ, Bắc Kinh đã sử dụng các hố chôn rác để xây dựng các đảo nhỏ phục vụ mục đích quân sự kể từ năm 2010. Lực lượng hải cảnh của họ đôi khi còn tiến vào vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác, như là Malaysia hay Indonesia. Tuy nhiên, điều này chưa tạo ra một sự kích động lớn, cũng chưa tạo động lực chung cho Nhật Bản và Ấn Độ. Hai nước này đều không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng là những người đồng chí có sức mạnh đối trọng với những tham vọng kinh tế cạnh tranh tại châu Á, họ hy vọng có thể ngăn chặn Trung Quốc trở thành một ông chủ cuộc chơi duy nhất trong khu vực.

Trung Quốc hiện đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ XIX của mình. Họ không muốn bất cứ căng thẳng nào phủ bóng đen lên sự kiện kín diễn ra ngày 18/10 tới, nơi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình kỳ vọng tìm được một sự nhất trí nhằm tiếp tục duy trì vị thế của mình thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa. Ngoài ra, các quan chức Đảng cũng sẽ bàn thảo các vấn đề trọng tâm của quốc gia tại sự kiện này.

Liu Yih-jiun, giảng viên về các vấn đề công tại trường Đại học Phổ Quang (Đài Loan) nhận định: “Nhật Bản và Ấn Độ muốn hình thành một kiểu liên minh chính trị chính thức hoặc không chính thức, và tạo ra một hiệu ứng tâm lý nào đó lên Trung Quốc. Trung Quốc hiện đang bận rộn chuẩn bị cho Đại hội XIX. Chừng nào họ chưa thấy liên minh này gây nguy hiểm cho họ thì mọi thứ vẫn ổn”. Tiếp đó, Trung Quốc sẽ tập trung vào loạt hội nghị khu vực trong tháng 11/2017.

Đến khi các hoạt động này kết thúc, họ sẽ quay trở lại Biển Đông. Lúc đó, Nhật Bản và Ấn Độ có thể quyết định liệu họ có muốn hành động dựa trên những ý tưởng chung đã công bố về sự tự do hàng hải và tôn trọng luật pháp quốc tế hay không. Cuối cùng, họ sẽ làm như điều Nhật Bản từng đề xuất trên trang web chính thức của Bộ Ngoại giao nước này sau khi Thủ tướng Shinzo Abe gặp người đồng cấp Narendra Modi hôm 13-14/9 vừa qua tại Ấn Độ, đó là lấy Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở của Nhật Bản và chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ làm kim chỉ nam để hợp tác tích cực hơn trong vấn đề an ninh hàng hải.
Chính sách của Nhật Bản kêu gọi mở rộng ảnh hưởng của Tokyo trên khắp châu Á và kéo dài tới châu Phi, còn chính sách của Ấn Độ có thể đưa ảnh hưởng kinh tế của New Delhi trải rộng khắp Đông Á. Những tham vọng này đang cạnh tranh với sáng kiến “Vành đai và con đường” của Trung Quốc, theo đó tập trung phát triển cơ sở hạ tầng cùng nhiều thứ khác trên khắp lục địa Á-Âu. Ấn Độ và Nhật Bản có thể hợp tác với khối 10 nước thuộc ASEAN, trong đó có 4 nhà nước đang có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc.

Một số nhà phân tích tin rằng chiến lược Nhật-Ấn nói trên có thể được diễn giải bằng việc bán vũ khí cho các bên tranh chấp ở Biển Đông như Việt Nam. Cả hai nước này, cùng với Mỹ, cũng có thể điều tàu quân sự lớn di chuyển tại đây để cho Trung Quốc biết rằng họ không có quyền kiểm soát tuyệt đối vùng biển nổi tiếng với trữ lượng cá và các tài nguyên khí đốt dưới lòng biển. Nhật Bản từng bán vũ khí cho Việt Nam và Philippines, bên tranh chấp khác ở Biển Đông, còn Ấn Độ thì đang hợp tác với Việt Nam trong dự án chung nhằm khai thác khí đốt và dầu mỏ dưới lòng biển.
Mỹ hiện ủng hộ Nhật Bản và Ấn Độ, hai nền dân chủ châu Á với chính sách ngoại giao thân Mỹ kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Chính quyền 8 tháng tuổi của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã điều hai tàu đi qua vùng biển tranh chấp để khiêu khích Trung Quốc.

Theo Andrew Yang, Tổng Thư ký của Hội đồng Cố vấn Nghiên cứu Chính sách Tiên tiến Trung Quốc tại Đài Loan, nếu như sự bành trướng trên biển của Trung Quốc vấp phải sự phản đối từ Ấn Độ và Nhật Bản, Bắc Kinh có thể sẽ chỉ nói rằng vùng biển này là của Trung Quốc. Vậy tại sao họ không làm nhiều hơn thế? Trung Quốc có một sức mạnh quân sự lớn  hơn bất cứ nước nào khác ở châu Á cũng như có công nghệ hàng hải tối tân hơn mọi đối thủ của họ ở Đông Nam Á. Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu sinh kỳ cựu tại Viện Nghiên cứu Biển Đông Yusof Ishak của Singapore, nhấn mạnh rằng “Trung Quốc sẽ thấy lo ngại trước cái mà họ gọi là sự can thiệp của Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ tại Biển Đông, song họ cũng hiểu rõ được lý do của điều này”.

 

Aufrufe: 83

Related Posts