Berlin (EAST SEA) Thứ Ba, Tháng Mười Một 7th, 2017 / 22:02

Tranh chấp Biển Đông còn dai dẳng

Những căng thẳng tại vùng Biển Đông vẫn tiếp tục dai dẳng khi các bên tranh chấp tiến hành những động thái củng cố lập trường của mình ở vùng biển này, đây là nhận định của chuyên gia về các vấn đề quốc tế Dindo Manhit trong bài viết mới đăng trên trang mạng philstar.com.

Dindo Manhit, Giám đốc hãng tư vấn tư nhân Startbase ADR Institute, cho biết việc tổ chức một cuộc đối thoại về các thách thức an ninh và chính trị đang ngày càng lớn là hoàn toàn thích đáng trong bối cảnh châu Á- Thái Bình Dương tiếp tục phải đương đầu với các mối đe dọa đến sự ổn định của khu vực. Phát biểu khi đưa ra thông báo về hội nghị thượng đỉnh kéo dài 1 ngày với chủ đề “Vị thế lãnh đạo ASEAN trong một trật tự thế giới mới” tại khách sạn Makati Shangri-La ở thành phố Makati (Philippines) vào ngày 8/11 này, ông Manhit cho biết: “Đối với khu vực Đông Nam Á, thách thức ở Biển Đông vẫn đang tồn tại bởi các hoạt động thương mại của các nhà nước đều nhằm mục đích củng cố các lập trường của riêng họ tại vùng biển này”.

Manhit cho biết diễn đàn này thảo luận về các vấn đề liên quan đến việc củng cố nền tảng văn hóa-xã hội trong sự hợp tác của ASEAN. Phần mở đầu của diễn đàn sẽ tập trung vào chủ đề “Bảo vệ Cộng đồng ASEAN trước những Thách thức Chính trị-An ninh đang ngày càng lớn”.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cũng sẽ đưa ra những chính sách quan trọng tại phiên họp có sự tham dự của các diễn giả là Tiến sĩ Renato De Castro, Giảng viên tại Khoa Nghiên cứu Quốc tế thuộc trường Đại học De La Salle và là một ủy viên quản trị của Stratbase; Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á; Tiến sĩ Masahi Nishihara, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Hòa bình và An ninh (Nhật Bản); và Giáo sư Jay Batongbacal, Giám đốc Học viện Hàng hải và Luật Biển thuộc Đại học Philippines.

Manhit cho biết: “Tại cuộc hội thảo này, chúng ta sẽ tập trung vào diễn biến của các tranh chấp và cách thức để các quốc gia liên quan theo đuổi những đường lối hợp tác nhằm giảm thiểu nguy cơ bạo lực và leo thang căng thẳng, chẳng hạn như Bộ Quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES), và tăng cường hòa bình và ổn định của khu vực thông qua sự hợp tác trong các hoạt động nhân đạo và tìm kiếm cứu nạn trên biển”.

Phiên họp thứ hai của hội nghị diễn ra vào buổi chiều cùng ngày, bàn về việc “Củng cố các nền tảng Văn hóa-Xã hội của sự Hợp tác ASEAN”.

Cựu Ngoại trưởng Roberto Romulo, Chủ tịch Quỹ Carlos P.Romulo, sẽ trình bày những chính sách quan trọng tại phiên họp này trước các diễn giả là Giáo sư Yorizumi Watanabe của Khoa Quản lý Chính sách, Khoa Đào tạo Truyền thông sau đại học, và cũng là người quản lý Đại học Keio; Aekapol Chongvilaivan, nhà kinh tế học chuyên về vấn đề kinh tế trong nước Philippines thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á; và cựu Bộ trưởng Thương mại Philippines Gregory Domingo, hiện là lãnh đạo Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á của Philippines.

Chuyên gia Manhit cho biết mục tiêu của các nhà nước Đông Nam Á là “đóng góp cho việc hiện thực hóa một Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân và có trách nhiệm xã hội, với tầm nhìn hướng tới sự đoàn kết và thống nhất giữa người dân và các quốc gia thành viên ASEAN”. Theo ông, “là một phần trong sự hợp tác văn hóa-xã hội, chính phủ các quốc gia Đông Nam Á đã nỗ lực bảo vệ công dân của mình trước các vấn đề y tế cấp bách; tham gia các nỗ lực chung nhằm đối phó các thách thức về môi trường và tài nguyên biển; sự chuyển biến sang các xã hội văn minh; và thiết lập một xu hướng gắn bó với Cộng đồng ASEAN.

Tuy nhiên, Manhit cũng nhấn mạnh rằng dường như vẫn có một sự bất đồng trong việc thực hiện chính sách văn hóa-xã hội tại tổ chức khu vực này. Ông nói: “Tại một khu vực có các nền văn hóa, tín ngưỡng và ngôn ngữ khác nhau thì sự hợp tác giữa các nước thành viên sẽ vấp phải nhiều thách thức. Ngoài ra, vẫn tồn tại sự thiếu nhận thức về ASEAN cũng như thiếu sự tham gia của con người. Để duy trì sự hợp tác này, chúng ta cần thấu hiểu các láng giềng của mình, song vấn đề là làm thế nào để thiết lập một sự thống nhất trong đa dạng này, làm thế nào để các công dân bình thường có thể đóng góp vào sự hòa nhập của ASEAN”.

Nguồn: TTXVN

Aufrufe: 18

Related Posts