Berlin (EAST SEA) Thứ Tư, Tháng Mười Một 8th, 2017 / 19:20

Trung Quốc chạy thử tàu nạo vét hiện đại gây lo ngại về căng thẳng ở Biển Đông

Trung Quốc đã hạ thủy một chiếc tàu nạo vét lớn nhất châu Á, mang tên Thiên Côn Hiệu (Tian Kun Hao), ngay trước thềm chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ Donald Trump, một động thái dường như Bắc Kinh muốn gợi lại sự lo ngại về những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của nước này ở Biển Hoa Nam (Biển Đông).

Hãng tin Reuters dẫn nguồn nhật báo Beijing News cho biết tàu Thiên Côn Hiệu đã bắt đầu chạy thử hôm 3/11. Tàu nạo vét này được sử dụng cho các dự án quy mô lớn nhằm xây dựng hoặc cải tạo đất đá (nhân tạo ở Biển Đông). Bài báo dẫn lời kỹ sư trưởng thiết kế tàu này,  Zhang Xiaofeng, đề cập về thực thể trên biển Đông mà Thiên Côn Hiệu có thể tác động đến khi viện dẫn rằng “có nhiều rặng san hô dưới đáy Biển Đông”. Với chiều dài 140m, chiếc tàu khổng lồ này có khả năng đào được khối lượng đất đá tương đương 3 bể bơi Olympic mỗi giờ và có thể đưa lượng đất đá nạo vét này đi xa 15 mét để tạo thành đảo nhân tạo trên Biển Đông.

Trong vòng 5 năm qua, Trung Quốc đã sử dụng những con tàu tương tự để phục vụ hoạt động cải tạo và xây dựng các đảo đá chiến lược nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền rộng lớn ở Biển Đông. Trong khoảng thời gian từ giữa năm 2013 đến giữa năm 2016, giai đoạn đỉnh điểm của những nỗ lực cải tạo đảo đá của Bắc Kinh, Trung Quốc đã tạo được 7 đảo nhân tạo và chiếm được 2.000 mẫu (khoảng hơn 8.000 km2), cũng như xây dựng các sân bay, căn cứ tên lửa và hệ thống radar. Năm ngoái, Bắc Kinh dường như phát đi tín hiệu rằng nước này sẽ ngừng công việc nạo vét quy mô lớn. Tuy nhiên, sự xuất hiện của tàu Thiên Côn Hiệu cho thấy hoạt động nạo vét có khả năng sẽ tiếp diễn. Hôm 5/11, Viện Nghiên cứu và Thiết kế hàng hải ở Thượng Hải, đơn vị thiết kế tàu trên, đã miêu tả Thiên Côn Hiệu là “tàu tạo đảo khổng lồ”.

Được hạ thủy hôm 3/11 tại xưởng đóng tàu ở tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc, tàu Thiên Côn Hiệu sẽ đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2018, dưới sự điều hành của Công ty Nạo vét Thiên Tân, thuộc Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc vốn được biết đến là “công ty nạo vét Biển Đông”.

Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, song Bắc Kinh bác bỏ điều này, cho rằng ý định của họ mang mục đích hòa bình. Việc Washington phản đối những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh vẫn là một vấn đề “gai góc” trong mối quan hệ song phương. Dự kiến, đây sẽ là một chủ đề thảo luận quan trọng giữa Tổng thống Mỹ Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi ông Trump có chuyến thăm Bắc Kinh 2 ngày, bắt đầu từ ngày 8/11. Mỹ lâu nay vẫn tiến hành các hoạt động “tự do hàng hải” ở Biển Đông nhằm thách thức những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở vùng biển quan trọng này. Hãng tin Reuters dẫn lời ba quan chức Mỹ cho biết hoạt động tự do hàng hải gần đây nhất diễn ra hôm 10/10 khi tàu khu trục tên lửa dẫn đường Chafee của Mỹ tiến hành các hoạt động diễn tập thông thường nhằm thách thức “những tuyên bố chủ quyền thái quá” xung quanh quần đảo Hoàng Sa. Đáp lại, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết đã điều động một tàu chiến, hai máy bay chiến đấu và một máy bay trực thăng để uy hiếp tàu khu trục Chafee.

Theo Reuters, những hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc đã thầm lặng tiến hành thêm hoạt động xây dựng và cải tạo ở Biển Đông nhằm tăng cường sự kiểm soát trên vùng biển này bất chấp phản đối từ Brunei, Malaysia, Phillippines, Đài Loan và Việt Nam cũng như Mỹ. Một số chuyên gia nhận định Bắc Kinh sẽ lần đầu triển khai các máy bay chiến đấu đáp tại các đường băng trên quần đảo Trường Sa trong những tháng tới đây.

Theo finantional times.com/Reuters (Ngày 6/11)

 

Aufrufe: 5

Related Posts