Berlin (EAST SEA) Thứ Sáu, Tháng Mười Hai 8th, 2017 / 22:51

Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel

Trump thăm Bức tường Than Khóc linh thiêng của Thành cổ Jerusalem

Trong một động thái gây tranh cãi và chưa từng có tiền lệ, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/12 chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel bất chấp cảnh báo của cộng đồng quốc tế. Tổng thống Trump cho biết, ông đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao Mỹ bắt đầu quá trình di dời đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem. Tuy nhiên, giới chức Mỹ cho biết, quá trình này có thể mất vài năm.

Với quyết định này, Mỹ sẽ trở thành quốc gia đầu tiên có đại diện ngoại giao ở Jerusalem, lãnh thổ vẫn còn tranh chấp giữa Palestine và Israel.

Tại sao trump bất chấp rủi ro công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel

Nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra xung quanh vấn đề liệu cá nhân ông Trump và nước Mỹ sẽ có lợi gì từ việc thay đổi quy chế về Jerusalem trong khi hành động này tiềm ẩn nhiều rủi ro như vậy.

Theo kết quả khảo sát công bố ngày 5/12, Tổng thống Trump chỉ nhận được 35% sự ủng hộ, tỷ lệ thấp chưa từng thấy kể từ khi ông lên nắm quyền. Giới quan sát cho rằng tỷ lệ ủng hộ thấp kỷ lục của ông Trump thời gian gần đây có thể là một trong những nguyên nhân chính khiến ông Trump đưa ra quyết định về Jerusalem. Quyết định về Jerusalem cũng được đưa ra đúng vào thời điểm ông Trump đang chịu nhiều sức ép liên quan đến cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ 2016.

Tuyên bố chuyển Đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem sẽ hiện thực hóa cam kết của ông Trump trong chiến dịch tranh cử, qua đó giúp ông lấy lòng cử tri, các nhà tài trợ giàu có của đảng Cộng hòa và những người ủng hộ chính sách đối ngoại cứng rắn. Theo các nhà phân tích, ông Trump đã và đang xây dựng hình ảnh là tổng thống đủ can đảm để làm những điều mà các nhà lãnh đạo tiền nhiệm không dám làm.

“Tôi cho rằng đã đến lúc chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Các tổng thống trước kia của Mỹ coi đây là một cam kết trong chiến dịch tranh cử của họ, nhưng cuối cùng không thực hiện được. Giờ đây, tôi sẽ hiện thực hóa nó”, Tổng thống Trump nói.

Bên cạnh đó, việc công nhận Jerusalem cũng giúp ông Trump làm hài lòng Israel, đặc biệt là khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu là một trong những người ủng hộ ông Trump trong chiến dịch tranh cử. Và hơn cả, quyết định này cũng cho phép ông Trump tạo uy thế và xây dựng hình ảnh là một nhà lãnh đạo cứng rắn ở Trung Đông – một trong những khu vực căng thẳng nhất trên thế giới.

Những phản ứng

  • Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cho rằng, quyết định này đồng nghĩa với việc Mỹ “từ bỏ vai trò là nhà đàm phán hòa bình”. “Những hành động đáng chỉ trích và không thể chấp nhận này hủy hoại tất cả nỗ lực hòa bình”. Lãnh đạo Palestine đã kêu gọi thực thi 3 ngày “giận dữ” ngay sau khi Washington công bố ý định công nhận Jerusalem. ngày 7/12, hàng nghìn người Palestin ở khu Bờ Tây đã xuống đường biểu tình để phản đối việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Những người biểu tình hô vang khẩu hiệu “Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine”. Các cuộc đụng độ khiến ít nhất 104 người Palestine bị thương, trong đó một số người trong tình trạng nguy kịch.
  • Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho rằng quyết định của Washington là “thiếu trách nhiệm” và “đi ngược lại với luật pháp quốc tế cũng như các nghị quyết của Liên Hợp Quốc”.
  • Quốc vương Ả rập Xê út Salman trong cuộc điện đàm ngày 5/12 với Tổng thống Trump đã nói rằng „Việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel sẽ bị coi là khiêu khích thế giới Hồi giáo trên khắp thế giới”. Tổng thống Ai Cập Abdul Fattah al-Sisi cũng cảnh báo, quyết định này có thể làm tiêu tan các nỗ lực cho tiến trình hòa bình Trung Đông.
  • Liên đoàn Ả rập cũng ra tuyên bố chung nói rằng, bất cứ động thái đơn phương nào coi Jerusalem là thủ đô của Israel hay thiết lập bất cứ phái đoàn ngoại giao nào ở đây cũng bị coi là “vi phạm nghiêm trọng” nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.
  • Giáo hoàng Francis cho biết: “Tôi không thể giữ im lặng trước những lo ngại về tình hình những ngày gần đây. Tôi cũng đặc biệt kêu gọi tất cả các bên tôn trọng vị thế của Jerusalem theo các nghị quyết của Liên Hợp Quốc”.
  • Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, quyết định của Washington có thể tác động tiêu cực đến triển vọng hòa bình giữa Israel và Palestine. Ông cho rằng, vấn đề Jerusalem phải được giải quyết thông qua đàm phán giữa hai bên.
  • Liên minh châu Âu kêu gọi nối lại tiến trình hòa bình theo giải pháp hai nhà nước và nhấn mạnh vấn đề Jerusalem cần giải quyết thông qua đàm phán.

 

Theo Wikipedia:

Với số dân 865.721, Jerusalem là thành phố không đồng nhất, tiêu biểu cho nhiều loại dân tộc, tôn giáo và những nhóm kinh tế xã hội. Khu vực được gọi là “Thành phố cổ” được bao vây bởi bức tường thành và bao gồm bốn khu: Hồi giáo, Kitô giáo, Do Thái, và Armenia. Thị trưởng hiện giờ của Jerusalem là Nir Barkat.

 Jerusalem là một thành phố Trung Đông nằm trên lưu vực sông giữa Địa Trung Hải và Biển Chết ở phía đông của Tel Aviv, phía nam của Ramallah, phía tây của Jericho và phía bắc của Bethlehem.

Thành lập từ khoảng thiên niên kỷ thứ 4 trước Công nguyên, thành phố này đã hai lần bị hủy diệt, bị vây hãm 23 lần, bị tấn công 52 lần, bị chiếm và bị chiếm lại 44 lần. Hiện nay, nó vẫn nằm ở tâm điểm cuộc tranh chấp giữa Israel và Chính quyền Quốc gia Palestine. Trong Chiến tranh Sáu ngày (1967), Israel đã chiếm hoàn toàn lãnh thổ Jerusalem và tuyên bố thành phố là thủ đô của mình. Điều này không được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi và không có đại sứ quán nước ngoài nào đóng ở Jerusalem. Hiện có khoảng 20 vạn người Palestine sống ở phần Đông Jerusalem với một triển vọng thiết lập miền này thành thủ đô tương lai của một Nhà nước Palestine độc lập.

Jerusalem là thánh địa quan trọng nhất đối với người Do Thái bởi vì theo Kinh Thánh Hebrew, chính nơi đây vua David của Israel đã xây dựng thủ đô của Vương quốc Israel thống nhất và vua Solomon xây Đền Thờ Đầu tiên. Còn theo Tân Ước, chính tại Jerusalem, Chúa Jesus đã bị đóng đinh trên thập tự giá và trong truyền thống Hồi giáo dòng Sunni đây là thành phố quan trọng thứ ba (sau Mecca và Medina) bởi theo Qur’an đây là điểm dừng chân trong Hành trình Đêm kỳ bí của ông. Do đó, thành phố trở thành một thánh địa chung của cả ba tôn giáo nói trên, lưu giữ nhiều di tích tôn giáo và là điểm hành hương hàng năm. Khu vực Cổ Thành đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1981.

 

Lê Hoàng tổng hợp

 

Aufrufe: 84

Related Posts