Berlin (EAST SEA) Thứ Sáu, Tháng Năm 3rd, 2019 / 22:01

Thực trạng chiến lược phát triển điện gió hiện nay của TQ vấn đề đặt ra đối với khu vực Biển Đông

Theo “Kế hoạch 5 năm phát triển năng lượng gió lần thứ 13”, Trung Quốc đặt mục tiêu mở rộng quy mô trang trại điện gió ngoài khơi lên 10 triệu kW vào năm 2020, với công suất kết nối lưới điện đạt hơn 5 triệu kW. Đáng chú ý, nước này cũng nhắm tới việc mở rộng lĩnh vực này ra Biển Đông, tại các thực thế chiếm đóng trái phép đang được Trung Quốc bồi đắp, mở rộng.

Trung Quốc lắp đặt các tua bin điện gió trên biển. Nguồn: CCTV

Về quy hoạch tổng thể: Trong Quy hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011 – 2015)và lần thứ 13 (2016 – 2020), Trung Quốc muốn có cách tiếp cận cân bằng hơn về tăng trưởng và phát triển, chú ý đến môi trường và chất lượng sống. Vì vậy, nước này đặt mục tiêu ưu tiên phát triển năng lượng tái sinh như gió, điện mặt trời, trong đó tập trung xây dựng các dự án điện gió, điện mặt trời ở khu vực duyên hải và khu vực phía Bắc Trung Quốc. Trung Quốc đã ban hành “Nguyên tắc thực thi tạm thời quản lý xây dựng khai thác điện gió trên biển”, trong đó quy định khoảng cách từ bờ biển đến các tua bin điện gió ít nhất là khoảng 10km, tại các vùng biển có độ sâu tối thiểu trên 10m và hoàn thành “Phương án xây dựng phát triển điện gió trên toàn quốc giai đoạn 2014 – 2016”, trong đó đề cập đến 44 dự án, tổng công suất tua bin đạt 10 GW (10.000 MW).

Về đầu tư, phương tiện lắp đặt: Tháng 12/2016 Trung Quốc hạ thủy con tàu chuyên lắp đặt tua bin điện gió trên biển đầu tiên do nước này tự nghiên cứu, chế tạo. Tàu có chiều dài 85,8m, rộng 40 m, tải trọng 2.500 tấn, có thể hoạt động ngoài khơi 30 ngày liên tục. Năm 2017, Trung Quốc đã đầu tư tổng kinh phí khoảng 126,6 tỷ USD vào phát triển năng lượng tái tạo (tăng 31% so với năm 2016). Con số năm 2018 cũng ở mức tương tự. Với nguồn đầu tư như vậy, năm 2017 – 2018, Trung Quốc hoàn thành quy hoạch điện gió tại nhiều địa phương như Triết Giang, Giang Tô, Hồ Bắc, Quảng Đông, Bột Hải, Thượng Hải… Trong đó, tổng công suất tua bin điện gió ước tính mà Trung Quốc đã lắp đặt trên biển có thể đạt trên 1.000 MW.

Hôm 20/12/2018, sau 202 ngày lắp đặt, trang trại điện gió ngoài khơi xa bờ nhất của Trung Quốc chính thức được kết nối với lưới điện và đi vào hoạt động hết công suất. Trang trại nằm ở phía đông thành phố Diêm Thành, tỉnh Giang Tô, cách bờ biển 43km. Với diện tích 90 km2, trại điện gió Đại Phong có công suất lắp đặt lên tới 302,4 nghìn kW. Tổng cộng 72 tua bin gió dự kiến tạo ra khoảng 870 triệu kWh điện mỗi năm.

Hạn chế của TQ trong phát triển điện gió trên biển: Mặc dù đã có nhiều thành tựu về khoa học công nghệ, song Trung Quốc vẫn chưa đủ khả năng thiết kế, sản xuất tua bin công xuất lớn từ 1 MW trở lên, chưa có kinh nghiệm vận hành trạm điện gió cỡ lớn ngoài khơi. Hiện nay chỉ có một số ít công ty Trung Quốc như công ty “Yinhe Avantis Quảng Tây” và “Gold wind” mới đủ khả năng chế tạo các tua bin điện gió đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, do môi trường thi công, xây dựng các trạm điện gió trên biển hết sức phức tạp, cùng với đó là đặc điểm địa chất, kỹ thuật xây lắp và giá thành đầu tư lớn, tính ổn định không cao và phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết khi ở Biển Đông thường xuyên phải hứng chịu các cơn bão nhiệt đới cường độ mạnh. Vì vậy, Trung Quốc cũng phải đảm bảo an toàn cho các tuyến cáp ngầm và hoạt động giao thông hàng hải khi tiến hành thi công các công trình điện gió.

Về vấn đề đặt ra đối với các nước liên quan Biển Đông: Mặc dù trong quy hoạch, Trung Quốc đặt mục tiêu tìm kiếm và sản xuất các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, bắt kịp xu hướng của thế giới. Tuy nhiên, việc nước này thúc đẩy phát triển điện gió ở Biển Đông lại có những động cơ, mục đích khác, không chỉ đơn thuần là vấn đề năng lượng. Đầu tiên, việc phát triển điện gió hiện nay sẽ tạo tiền đề quan trọng cho quá trình xây dựng quy mô lớn điện gió tại các đảo, đá ở Biển Đông đang bị Trung Quốc chiếm đóng, góp phần cung cấp điện cho các công trình quân sự như hệ thống radar, sân bay, cầu cảng, bến bãi, hệ thống tên lửa, hệ thống gây nhiễu radar… Theo tờ Asatimes đánh giá, mạng lưới điện ổn định là yếu tố sống còn cho các kho vũ khí và căn cứ quân sự của Trung Quốc trên các đảo ở Biển Đông. Theo tính toán, chỉ tính riêng một hệ thống radar quân sự ở Biển Đông của Trung Quốc đã cần tới 200 KW để duy trì hoạt động. Trên thực tế, từ năm 2016, Trung Quốc đã lắp đặt hệ 01 thống điện gió trên bãi đá Gạc Ma của Việt Nam do Trung Quốc chiếm đóng phí pháp, nhằm cung cấp năng lượng cho lực lượng đồn trú và hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại bãi đá này. Hai là, việc Trung Quốc xây dựng các công trình điện gió trên biển là nhằm khẳng định sự vượt trội về công nghệ, trình độ kỹ thuật của Trung Quốc so với các nước trên thế giới và khu vực, giúp Trung Quốc đảm bảo nguồn cung năng lượng cho các vùng duyên hải và các đảo và giàn khoan dầu khí xa bờ, vì hiện nay, nguồn điện cung cấp cho các đảo chủ yếu vẫn dựa vào máy phát điện chạy dầu diesel, công suất nhỏ lại gây ô nhiễm môi trường, giá thành cao và tính khả thi thấp, ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Ba là, việc thúc đẩy nghiên cứu, xây dựng các dự án điện gió được báo chí truyền thông Trung Quốc triệt để sử dụng để tuyên truyền có dụng ý, nhằm trấn an và hướng lái dư luận các nước về vấn đề ô nhiễm môi trường do Trung Quốc gây ra, thể hiện vai trò của Trung Quốc trong bảo vệ môi trường sinh thái, tài nguyên thiên nhiên và đi đầu trong áp dụng khoa học công nghệ cho phục vụ các mục đích dân sự của người dân Trung Quốc cũng như mang lại lợi ích chung người dân các nước. Cùng với các yếu tố khác, hệ thống điện gió sẽ góp phần giúp Trung Quốc giành ưu thế vượt trội hẳn so với các nước ở Biển Đông.

Tóm lại, việc Trung Quốc đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng các hệ thống điện gió trên biển và đưa các công trình này tới các thực thể do Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép ở Biển Đông rõ ràng là nằm trong những toan tính chiến lược nhằm kiểm soát toàn bộ Biển Đông của nước này.

BDN

Aufrufe: 73

Related Posts