Berlin (EAST SEA) Chủ Nhật, Tháng Hai 2nd, 2020 / 06:49

Những thách thức cho Việt Nam khi sống cạnh người khổng lồ “Trung Quốc” – từ dịch nCoV đến các vấn đề kinh tế

Việt Nam phải sống cạnh một nước láng giềng có lãnh thổ rộng gấp 30 lần, dân số gấp 15 lần (dân số Việt Nam với 96 triệu dân, xếp thứ 15 thế giới, nhưng mới chỉ ngang dân số một tỉnh tầm trung của Trung Quốc và thua những tỉnh lớn như Quảng Đông, Tứ Xuyên). Suốt cả chiều dài lịch sử, lịch sử của Việt Nam phải chống chọi và hợp tác với nước láng giềng khổng lồ đó. Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp dẫn lại lý thuyết của Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia về cái gọi là “lời nguyền địa lý” của Việt Nam mà theo đó “Việt Nam không có sự lựa chọn nào khác ngoài học cách chia sẻ số phận của mình với người láng giềng Trung Quốc trong suốt từng bước đi lịch sử của mình” (1). Thực tế đã diễn ra như vậy. Vào những lúc Trung Quốc huy hoàng nhất của thời Hán, Đường, Việt Nam đã phải chịu ách đô hộ nghìn năm của Trung Quốc. Những triều đại Trung Quốc mạnh như nhà Nguyên, Minh, Thanh, Đại Việt cũng phải trường kì chống lại chủ nghĩa xâm lược Đại Hán.

Có thể nói, những gì xảy ra ở trên đất nước Trung Quốc đều có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến Việt Nam. Một cơn gió mùa Đông Bắc xuất phát từ lục địa Trung Nguyên cũng sẽ vượt qua cả nghìn km để đem cái lạnh và khô của nó xuống đồng bằng Bắc Bộ của Việt Nam. Ở phạm vi rộng hơn, chúng ta thấy rằng tất cả những dòng chảy từ hữu hình như hàng hóa, vật phẩm, con người cho tới những dòng chảy vô hình như văn hóa, tri thức, tư tưởng xuất phát từ Trung Quốc đều sẽ chảy xuống phương Nam, nhất là Việt Nam như một dòng chảy chính và chủ đạo. Nguyên nhân của điều này cũng xuất phát từ chính “sự minh định địa lý” của Trung Quốc. Dãy Vạn lý trường thành dài cả chục nghìn km không chỉ là trường thành bảo vệ Trung Nguyên khỏi các tộc người Hung Nô mà còn ngăn luôn cả Trung Quốc tiến lên phía Bắc trong suốt thời kỳ cổ trung đại. Về phía Tây, các sa mạc rộng lớn của cao nguyên Gô-bi và những dãy núi hiểm trở mênh mông của cao nguyên Thanh – Tạng cũng làm chùn bước các bước đi xa hơn để chinh phục miền viễn Tây của người Trung Hoa. Về phía Đông, biển và đại dương hiếm khi là thế mạnh của Trung Quốc suốt từ thời cổ đại đến trung đại và cận đại (trừ những chuyến thám hiểm của Trịnh Hòa thời nhà Minh). Vì vậy chỉ còn mỗi phương Nam là dễ tiếp cận nhất, dễ xâm lấn nhất đối với các chiến lược địa chính trị – kinh tế của Nhà nước Trung Quốc trong suốt chiều dài lịch sử của họ. Việt Nam nằm ở tuyến đầu của phương Nam Trung Quốc, nên chịu sự tác động mạnh mẽ của lịch sử trên tất cả các phương diện văn hóa, tư tưởng, tri thức, trao đổi thương mại, hàng hóa, vật phẩm, con người. Điều đó xuất phát từ “sư minh định” kép về địa lý của cả phía Việt Nam và phía Trung Quốc.

Cùng với thời gian, khi sự trao đổi kinh tế thương mại của hai quốc gia ngày càng lớn thì một thách thức kinh tế lớn khác lại đặt ra cho Việt Nam, đó là sự phụ thuộc vào xuất nhập khẩu với Trung Quốc cộng tình trạng thâm hụt thương mại không ngừng gia tăng. Nếu như năm 2011, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc chỉ khoảng 7,5 tỷ USD thì năm 2019, con số thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc lên tới khoảng 34 tỷ USD (năm 2019 Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 41 tỷ USD trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 75 tỷ USD). Như vậy, mức thâm hụt đã tăng gần 5 lần chỉ sau 8 năm. Đầu vào của các ngành chủ lực của công nghiệp nhẹ và công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, giày dép hay đồ nội thất… đều đến từ nguồn hàng giá rẻ của Trung Quốc. Một điểm dễ thấy nữa là kim ngạch song phương tăng chủ yếu là do nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh trong khi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc tăng không tương xứng với tốc độ tăng nhập khẩu. Do đó, thách thức với Việt Nam về sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong quan hệ thương mại là rất lớn. Nếu Trung Quốc quyết định ngưng trao đổi biên mậu với Việt Nam, hay việc Việt Nam đang phải tạm dừng tất cả các chuyến bay với Trung Quốc để ngăn chặn dịch virus nCoV, sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho kinh tế Việt Nam.

Các lĩnh vực như nông nghiệp hay du lịch của Việt Nam cũng phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc. Với lượng khách du lịch Trung Quốc chiếm tới 32% tổng lượng khách du lịch vào Việt Nam (2), việc các điểm đến lớn như Đà Nẵng, Nha Trang dừng tiếp nhận khách Trung Quốc và cửa khẩu quốc tế Lào Cai ngừng nhập cảnh du lịch Trung Quốc từ ngày 26/1 (3) sẽ làm cho lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam ở mùa cao điểm du lịch hiện nay giảm sút đáng kể. Đây là một bài toán khó cho du lịch Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh du lịch ngày càng gia tăng còn lượng khách du lịch Trung Quốc đóng góp chủ yếu vào các thành tích về số lượng du khách trong thời gian gần đây. Trong khi đó, nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm đến 70% tổng lượng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài. Việc biên giới Trung Quốc bị đóng cửa do dịch nCoV sẽ làm hàng nghìn tấn nông sản của Việt Nam, đặc biệt ở đồng bằng sông Cửu Long không bán được. Các mặt hàng trái cây như thanh long, dưa hấu, chôm chôm của khu vực Nam Bộ giá đã giảm mạnh từ Tết đến nay do không xuất khẩu được sang Trung Quốc.

Giới chuyên gia kinh tế (như Bảo Việt Securities) cho rằng, với các nước như Việt Nam, Philippines và Thái Lan, sự sụt giảm ~20% lượng du khách từ Trung Quốc sẽ tác động tiêu cực đến 0.6-1.3% GDP. Trong khi đó, những tính toán sơ bộ cho thấy nếu lượng khách Trung Quốc giảm 75% trong quý I/2020, xuất khẩu du lịch đối với Trung Quốc có thể giảm bằng 0.24% GDP năm 2019. Còn nếu xuất khẩu tới Trung Quốc giảm 20% trong quý I/2020, xuất khẩu hàng hóa tới Trung Quốc có thể giảm bằng 0.59% GDP năm 2019. Hãng VNDirect Securities cũng cho rằng tác động tiềm tàng đối với nền kinh tế Việt Nam khá đáng kể, bao gồm: Du lịch và giao thông là những ngành chịu tác động trực tiếp; Giao thương có thể gặp khó khăn do hạn chế qua lại biên giới, cửa khẩu và gián đoạn nguồn cung từ Trung Quốc; Nhu cầu đối với nhóm hàng hóa lâu bền và bán lẻ xa xỉ có thể chịu ảnh hưởng; Rủi ro kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là Trung Quốc. Chỉ một số ít ngành có thể được hưởng lợi trong ngắn hạn như: Y tế, thép, săm lốp.

Có thể nói là tất cả hoạt động buôn bán theo kiểu hàng cư dân, thăm hỏi chúc tết lẫn nhau, du lịch giữa biên giới hai nước đã giảm rất mạnh do dịch corona virus. Nhiều lĩnh vực khác của kinh tế Việt Nam cũng đang bị ảnh hưởng và thiệt hại mạnh. Tất cả chứng minh một điều là sự phụ thuộc của Việt Nam vào Trung Quốc trên một số mặt như kinh tế, thương mại, du lịch đang ngày càng lớn và điều này tạo ra các rủi ro đáng kể cho Việt Nam nếu thị trường Trung Quốc chịu những cú sốc đột ngột như dịch bệnh corona virus hiện nay. Hơn bất kỳ nước nào khác, Việt Nam cần một Trung Quốc hòa bình và ổn định để Việt Nam có điều kiện phát triển. Trung Quốc tê liệt và các lĩnh vực giao thương Việt – Trung bị đình trệ, nhiều lĩnh vực kinh tế của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bài toán khó của Việt Nam là ở chỗ đó, nếu nhìn tương quan sang vấn đề Biển Đông. Yêu cầu đặt ra là nền sản xuất nội địa của Việt Nam cần nhanh chóng được củng cố, về ngoại thương Việt Nam cần nhanh chóng đa dạng hóa các thị trường của mình nếu không muốn bị phụ thuộc ngày càng nhiều vào thị trường Trung Quốc và những cú sốc đột ngột như hiện nay./.

Phan An

(1) : TS Lê Hồng Hiệp, Việt Nam và “lời nguyền địa lý”, nghiencuuquocte.org

(2) Báo cáo cập nhật tình kinh tế và du lịch Việt Nam tháng 7/2019 của World Bank

(3) Báo Thanh niên

Aufrufe: 179

Related Posts