Berlin (EAST SEA) Thứ Tư, Tháng Mười Một 18th, 2020 / 03:46

Về khả năng va chạm Mỹ – Trung Quốc ở Biển Đông

Giữa bối cảnh Mỹ và Trung Quốc (TQ) mâu thuẫn toàn diện, Biển Đông có thể trở thành một “mặt trận” nguy hiểm. Hai bên từng có va chạm, đó là sự kiện ngày 1/4/2001 diễn ra trên bầu trời Hải Nam, khi máy bay trinh sát EP3 của Mỹ va chạm với tiêm kích J-8 của TQ. Vụ việc từng gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao trầm trọng.

Trong ngắn và trung hạn, Quân đội Mỹ ít khả năng lùi bước ở Biển Đông vì Mỹ đang cạnh tranh và đối phó Trung Quốc ở cả cấp độ khu vực và toàn cầu. Dù hai bên xác định không vượt quá “giới hạn đỏ” nhưng không thể không đề phòng nguy cơ tính toán sai lầm đến từ một trong hai nước.

Mặc dù khả năng va chạm giữa Mỹ và TQ ở Biển Đông hoàn toàn có thể xảy ra, song khó có thể trở thành xung đột vũ trang giữa hai cường quốc ở khu vực biển này, nguyên nhân là:

Thứ nhất, ở góc độ lịch sử, xung đột vũ trang trực tiếp giữa các cường quốc đã tạo ra những thảm họa nghiêm trọng với thế giới, cả người chiến thắng và thất bại đều gánh chịu tổn thất to lớn. Điển hình như Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Sau hai lần thế chiến, các cường quốc đã cố gắng kiềm chế mâu thuẫn, không để xảy ra xung đột vũ trang trực tiếp, tức là cuộc Thế chiến III, bởi nếu xảy ra hậu quả sẽ khôn lường khi trình độ và kỹ thuật quân sự phát triển như hiện nay. Mỹ và TQ đều hiểu rõ đều này  hai bên sẽ kiềm chế để không nổ súng ở Biển Đông, nếu có va chạm thì cũng chỉ dừng lại ở mức độ “sự cố”, không phát triển thành xung đột vũ trang.

Thứ hai, sự phụ thuộc lẫn nhau trong quan hệ quốc tế giữa các nước lớn ngày càng gia tăng, mâu thuẫn giữa các cường quốc cũng khó có thể chuyển hóa thành xung đột vũ trang. Nếu có thì thường là cuộc chiến gián tiếp theo hình thức chiến tranh ủy nhiệm. Hiện nay, sự phụ thuộc về lợi ích giữa các cường quốc rất lớn, nếu xảy ra xung đột vũ trang thì sẽ không có ai chiến thắng, tất cả đều thất bại. Trong trường hợp quan hệ Mỹ và TQ hiện giờ, mặc dù mâu thuẫn về chiến lược, về lợi ích kinh tế được đẩy lên rất cao, nhưng sự phụ thuộc lẫn nhau rất lớn nên hai bên khó có thể xảy ra xung đột vũ trang để tự hủy diệt mình.

Thứ ba, mặc dù Mỹ và TQ gia tăng cạnh tranh ảnh hưởng và sự cạnh tranh này được đẩy lên mức nguy hiểm do nguy cơ về va chạm có thể xảy ra ở Biển Đông, song hầu như cộng đồng quốc tế không muốn nhìn thấy hai nước xảy ra xung đột vũ trang, nhất là các nước Đông Á trong đó có ASEAN. Các nước này không muốn bị cuốn vào cuộc cạnh tranh và đa phần theo đuổi chính sách ngoại giao phòng bị nước đôi, không muốn phải chọn bên trong mâu thuẫn Mỹ và TQ. Các nước chắc chắn sẽ phải tìm cách giảm thiểu tác động từ cạnh tranh Mỹ – Trung, thậm chí là các quốc gia đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á cũng không muốn mình trở thành công cụ phục vụ các nước lớn. Cho nên, bối cảnh quốc tế hiện nay rất khó để có khả năng xảy ra xung đột vũ trang giữa các nước lớn.

Thứ tư, về mặt nội bộ, cả Mỹ và TQ đang ở giai đoạn khó khăn do tác động từ Chiến tranh thương mại hai bên gây ra từ 2018 đến nay, đồng thời đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng hơn những khó khăn về mọi mặt trong nước. Cả hai nước không muốn rơi vào cuộc xung đột vũ trang. Điều này có thể làm sụp đổ  vị thế toàn cầu của Mỹ và xóa tan thành quả hơn 40 năm cải cách mở cửa của TQ.

Tóm lại, sự gia tăng can dự và kiềm chế các hành động hung hăng của TQ ở Biển Đông của Mỹ, cũng như các hành động đáp trả của TQ đối với Mỹ tại vùng biển này ngày càng bộc lộ rõ hơn việc Biển Đông là một trong những điểm nóng nhất của cạnh tranh Trung – Mỹ hiện nay. Cả TQ và Mỹ đều có thể đẩy “mâu thuẫn” đến mức “bên miệng hố chiến tranh” nhưng sẽ không để xảy ra xung đột vũ trang./.

PGS.TS Dương Văn Huy

Aufrufe: 229

Related Posts