Berlin (EAST SEA) Thứ Sáu, Tháng Mười Hai 25th, 2020 / 15:02

Tương quan Trung – Nhật về vấn đề Biển Đông và vai trò của ASEAN

Quan điểm của Trung Quốc (TQ) là ngăn chặn những tranh chấp ở Biển Đông trở thành vấn đề đa phương, thay vào đó tìm mọi cách thúc đẩy giải quyết căng thẳng qua đàm phán song phương. Bắc Kinh không muốn một bên thứ ba có ảnh hưởng như Nhật Bản can dự vào khu vực.

Với ý đồ nhất quán này, TQ đã sử dụng mọi nguồn lực, trong đó có sức mạnh kinh tế và ảnh hưởng ngoại giao, lôi kéo một số quốc gia thành viên ASEAN. Theo giới phân tích, việc “duy trì nguyên trạng” sẽ gây bất lợi, buộc các nước ASEAN đang có tranh chấp với TQ trên Biển Đông phải nhượng bộ, trong khi đó lại trao cơ hội để Bắc Kinh tạo ra “sự đã rồi”, như: cải tạo các thực thể mà nước này chiếm giữ trái phép, xây dựng đường băng, đưa vũ khí và trang bị quân sự ra các đảo nhân tạo, tiến hành quấy nhiễu ngư dân, quấy nhiễu hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí hợp pháp của các nước. Với quy mô và sức mạnh quân sự áp đảo, TQ sẽ tìm cách dần loại bỏ các nước ASEAN để giành quyền kiểm soát hầu hết khu vực Biển Đông.


Về phía Nhật Bản, nước này luôn thể hiện quan điểm duy trì hòa bình, bảo đảm an ninh, tự do hàng hải và luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Năm 2016, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố Phán quyết PCA về vụ kiện TQ của Phillippines là phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc pháp lý. Tokyo cũng hối thúc Bắc Kinh chấp nhận và tuân thủ phán quyết của PCA, tránh những hành động có thể làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông.

Trái ngược với chiến lược của TQ, Nhật Bản đang cùng với Mỹ thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Nhật Bản cũng trực tiếp hỗ trợ một số nước có tranh chấp với TQ trên Biển Đông bằng cách giúp đỡ tăng cường khả năng cảnh báo trên biển và lực lượng tuần duyên.

Thời gian gần đây, Nhật Bản tăng cường can dự trực tiếp và có sự phối hợp chặt chẽ với Mỹ, Ấn Độ, Australia trong vấn đề Biển Đông. Tháng 10/2020, Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản tiến hành tập trận chống tàu ngầm ở Biển Đông, 3 tàu tham gia còn dừng tại Vịnh Cam Ranh của Việt Nam để bổ sung hậu cần. Trước đó, Nhật Bản cử tàu sân bay trực thăng và một tàu khu trục tham gia diễn tập hải quân chung với Indonesia ở phía Tây quần đảo Natuna. Tháng 8/2020, Nhật Bản phản đối việc TQ phóng tên lửa đạn đạo ra Biển Đông.

Tình hình Biển Đông được dự báo sẽ tiếp tục căng thẳng và thu hút ngày càng nhiều quốc gia có ảnh hưởng can dự. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với ASEAN trong việc cân bằng quan hệ với các bên, trong đó có Nhật Bản và TQ. Tuy nhiẻn, đây cũng là cơ hội để ASEAN tận dụng vai trò trung tâm của mình trong một thế giới biến động khó lường nhằm giải quyết hiệu quả các vấn đề khu vực, trong đó có tranh chấp Biển Đông./.

Aufrufe: 290

Related Posts