Berlin (EAST SEA) Chủ Nhật, Tháng Năm 15th, 2022 / 05:53

Việt Nam không chọn phe

Ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng chính phủ Việt Nam đang có chuyến công du Mỹ. Cùng với việc tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ, ông Chính sẽ có chuyến thăm Mỹ từ ngày 11 đến 17/5.

Trong hai ngày Hội nghị cấp cao đặc biệt ông Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu được cho là khá thẳng thắn về các vấn đề gai góc, nhạy cảm, như vấn đề Biển Đông, cuộc chiến Ukraine, nhân quyền ở Việt Nam. Gọi là nhạy cảm vì khi nó lọt tai bên này thì lại chối tai bên kia, mà cái “bên kia” đáng gờm nhất chính là quốc gia láng giềng luôn gầm ghè và tính con bài bành trướng ra Biển Đông. Nhưng Việt Nam tuyên bố quyết “không chọn phe”, chỉ chọn cái đúng, cái chính nghĩa.

Vào chiều 11/5 (giờ địa phương), Thủ tướng Việt Nam đã phát biểu một bài khá dài, khoảng 40 phút, tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS). Ông nhấn mạnh: “Lòng tin, chân thành và trách nhiệm” là chìa khoá để xây dựng mối quan hệ Việt – Mỹ; chìa khóa giải quyết các vấn đề toàn cầu, bao gồm đại dịch Covid-19, các tranh chấp ở Biển Đông và cuộc chiến đang diễn ra ở Nga-Ukraine.

Với Mỹ và các quốc gia ở Đông Nam Á, Thủ tướng Việt Nam cho rằng, các nước đều có chế độ chính trị khác nhau, do vậy cần phải tôn trọng hệ thống chính trị.

Ông Phạm Minh Chính đã phần nào lí giải lí do vì sao Hà Nội chưa chấp nhận đề nghị của Washington về việc nâng tầm quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược. Ông nói: “Trong ba thập niên sau khi bình thường hóa, chúng ta chứng kiến sự phát triển phi thường của mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Mối quan hệ đó đã nảy nở và đơm hoa kết trái, có thể nói là nhờ nỗ lực của cả hai bên, được vun đắp bằng sự chân thành, tin cậy và tinh thần trách nhiệm, sự thông cảm, chia sẻ và tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với lợi ích và mong muốn của hai đất nước, hai dân tộc và nhân dân”.

Sự “đơm hoa kết trái” ấy theo góc nhìn của chúng tôi không phải là lời xã giao mà nó được minh chứng trong thực tiễn sinh động tại Việt Nam. Cụ thể, Lãnh đạo hai bên đã duy trì việc tiếp xúc và điện đàm ở các cấp, đặc biệt là tổ chức thành công các hoạt động của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9/2021. Ngay sau đó một tháng là các cuộc gặp của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Tổng thống Joe Biden và đặc phái viên John Kerry bên lề Hội nghị COP26 tại Anh (10/2021).

Về kinh tế, mặc dù trong điều kiện phải thích ứng, linh hoạt, ứng phó an toàn với đại dịch Covid-19 nhưng kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển khá nhanh chóng, trong đó có sự giúp đỡ tích cực của Mỹ. Thương mại song phương Việt – Mỹ tiếp tục tăng trưởng mạnh, với tổng kim ngạch năm 2021 đạt hơn 111,56 tỉ USD. Liên tục trong nhiều năm, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, và Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ.

Về đầu tư, đến tháng 3/2022, đầu tư trực tiếp của Mỹ tại Việt Nam đạt 10,3 tỉ USD, đứng thứ 11/141 trong số các nước và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam. Các doanh nghiệp lớn của Mỹ tiếp tục quan tâm, đầu tư vào thị trường Việt Nam: Intel thông báo bổ sung đầu tư gần 500 triệu USD vào nhà máy tại TP Hồ Chí Minh; đối tác sản xuất chính của Apple (Foxconn) bổ sung đầu tư 270 triệu USD tại Bắc Giang, v.v..

Về kinh tế là như vậy, là điều khó bác bỏ, nhưng khó nhất vẫn là vấn đề chính trị, ngoại giao, nhất là ứng xử với những diễn biến phức tạp, căng thẳng trên Biển Đông. Một nước lớn là Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng thực hiện tham vọng độc chiếm gần 90% diện tích vùng biển quan trọng này. Chính Bắc Kinh đã đưa ra những yêu cầu vô lý, khiến cho các nước ASEAN không thể đồng thuận, thời gian xây dựng bộ quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông, vì thế, đã kéo dài trong niều năm qua.

Phát biểu trước Quốc hội Mỹ, ông Phạm Minh Chính đã nói thẳng thắn mà không ngại Bắc Kinh lườm nguýt. Ông khẳng định: Tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là trách nhiệm chung. Khi nói tới Biển Đông cần xem xét hai vấn đề chính, bao gồm tranh chấp chủ quyền và tự do hàng hải và hàng không.

Thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh: “Việt Nam không chọn phe nào cả, mà chọn sự công lý, công bằng và sự tốt đẹp. Dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc”.

Vì không chọn phe cho nên trong việc giải quyết các tranh chấp, xung đột ở khu vực, Hà Nội luôn tìm cách duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình bằng cách đối thoại, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOC- 1982). Việt Nam ủng hộ sự hiệu quả và việc chấp hành đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (gọi tắt là DOC).

Ông Phạm Minh Chính sẽ còn lui lại Mỹ vài ngày nữa với những tính toán cụ thể hơn về hợp tác kinh tế, đối ngoại. Tuy nhiên, ông đã “hoàn thành” phần việc quan trọng nhất là bày tỏ chính kiến của Hà Nội trước Hội nghị cấp cao, đặc biệt là trao đổi thẳng thắn với Chủ tịch Quốc hội Mỹ và Tổng thống Joe Biden. Tổng thống Mỹ cũng đã nhận lời sớm thămViệt Nam.

Vậy có thể nói, Hà Nội đã đạt được “thắng lợi kép”. Việt Nam đang có cơ hội lớn để bứt phá. Và điều đó giúp ông Phạm Minh Chính “lên điểm” trong con mắt giới chính trị ở Việt Nam.

BDN

Aufrufe: 93

Related Posts