Berlin (EAST SEA) Chủ Nhật, Tháng Mười Một 20th, 2022 / 13:13

Chuyên gia Đức: UNCLOS có vai trò hết sức quan trọng

Giáo sư, Tiến sỹ Thomas Engelbert, chuyên gia nghiên cứu về biển tại Đại học Hamburg (Đức)

Nhân kỷ niệm 40 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) ra đời (10/12/1982-10/12/2022), phóng viên đã có buổi phỏng vấn Giáo sư, Tiến sỹ Thomas Engelbert, chuyên gia nghiên cứu về biển tại Đại học Hamburg (Đức) về công ước này.

PV: Thưa Giáo sư Thomas Engelbert, ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa và tầm quan trọng của của UNCLOS 1982 đối với an ninh hàng hải khu vực Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương?

Công ước LHQ về luật biển được kí vào năm 1982 có ý nghĩa rất lớn đối với an ninh hàng hải, không chỉ ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương mà trên cả thế giới. Đây là lần đầu tiên những qui định rõ ràng về các hành xử trên biển được đặt ra. Ví dụ công ước quy định rõ những thực thể nào được gọi là đảo, thực thể nào không phải là đảo; phân biệt đảo đá là gì và tính pháp lí của chúng khác đảo thường như thế nào; định nghĩa các vùng khai thác kinh tế trên biển của quốc gia là gì… Đây là lần đầu tiên các khái niệm này được định nghĩa rõ ràng. Văn bản này cũng quy định các cơ chế pháp lý giải quyết các tranh chấp biên giới trên biển giữa các quốc gia mà không sử dụng bạo lực. Sự ra đời của UNCLOS là một cột mốc quan trọng trong luật quốc tế liên quan đến biển. Trên cơ sở UNCLOS, một số tổ chức quan trọng được thành lập như Tòa án quốc tế về Luật Biển (tại thành phố Hamburg – Đức) hay Tòa Trọng tài thường trực PCA (tại thành phố La hay – Hà Lan). Đây là cơ sở để các quốc gia có biển giải quyết các tranh chấp lãnh thổ một cách hoàn bình.

PV: Được coi là khuôn khổ toàn diện điều chỉnh tất cả các hoạt động trên biển và đại dương, góp phần vào việc bảo đảm an ninh, tự do hàng hải, duy trì hoà bình, ổn định và thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc, theo Giáo sư, UNCLOS đã được áp dụng như thế trong giải quyết các tranh chấp về biển trên thế giới nói chung và tranh chấp ở Biển Đông nói riêng?

Từ khi UNCLOS ra đời, công ước này đã được áp dụng để giải quyết thành công nhiều vụ tranh chấp phức tạp về biển trên thế giới, ví dụ vụ tranh chấp giữa Anh và Mauritius trong việc thành lập khu bảo tồn biển tại khu vực quần đảo Chagos ở Ấn Độ Dương; vụ Nicaragua kiện Colombia ra Tòa án Công lý Quốc tế về phân định chủ quyền các đảo và vùng biển liên quan tại biển Caribe; vụ Timor Leste kiện Australia liên quan đến phân định biên giới biển giữa hai nước…

Giáo sư, Tiến sỹ Thomas Engelbert trả lời phỏng vấn phóng viên

Đối với tranh chấp trên Biển Đông, tháng 1/2013, Philippines đã chính thức kiện Trung Quốc theo Phụ lục VII của UNCLOS. Như vậy, một lần nữa UNCLOS đã được vận dụng để giải quyết tranh chấp về biển giữa các quốc gia. Tháng 7/2016, Tòa trọng tài thường trực PCA đã ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện này, bác bỏ hoàn toàn yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc tại Biển Đông. Quyết định này có ảnh hưởng lâu dài về mặt pháp lí. Theo phán quyết, thứ nhất, yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc không phù hợp với luật quốc tế, không dựa trên bất cứ nền tảng luật pháp nào. Thứ hai, các cấu trúc địa lý trên Biển Đông không phải là các đảo, vì thế chúng không có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lí như đảo thông thường. Thứ ba, việc xây dựng căn cứ trên biển, trên cáo đảo đá hay các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã và đang tiến hành gây tổn hại tới môi trường biển và vi phạm UNCLOS. Phán quyết này của Tòa trọng tài thường trực là cơ sở pháp lý vững chắc để giải quyết xung đột trên biển Đông. Tất nhiên việc thực hiện phán quyết phụ thuộc vào các quốc gia liên quan vì không có cơ chế cưỡng chế hiệu quả nào buộc thi hành phán quyết. Trung Quốc vẫn luôn bác bỏ phán quyết và tuyên bố sẽ không chấp nhận bất kỳ hành động nào dựa trên phán quyết này. Tuy nhiên, trong các cuộc đàm phán sau này như đàm phán về bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), phán quyết của Tòa trọng tài PCA vẫn có những ảnh hưởng nhất định. Các nước ASEAN không còn chấp nhận những đòi hỏi chủ quyền vô lý từ Trung Quốc nữa.

PV: Thưa Giáo sư, năm 2022 cũng là năm kỷ niệm 20 năm ký kết Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa, vai trò của DOC trong việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở Biển Đông?

Trong bối cảnh Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC chưa ra đời, tôi cho rằng DOC có ý nghĩa lớn, là cơ sở pháp lý quan trọng ràng buộc nhất giữa ASEAN và Trung Quốc trong việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực này. Các bên tham gia ký kết DOC nhất trí tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế về cách hành xử trên Biển Đông, tôn trọng tự do hàng hải, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với các quốc gia khác, không leo thang căng thẳng làm phức tạp tình hình, sẵn sàng đối thoại để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử chung COC. Hiện tại, COC vẫn trong quá trình đàm phán vì các bên vẫn chưa đạt được quan điểm thống nhất về bộ quy tắc này. Nhưng ý nghĩa nằm ở chỗ đàm phán còn tồn tại, tức là Trung Quốc buộc phải ngồi lại cùng các quốc gia ASEAN để xây dựng một cơ chế chung tránh xung đột.  

Mặc dù vậy, thời gian qua Trung Quốc vẫn tiếp tục có các hành động leo thang ở Biển Đông khiến tình hình thêm phức tạp. Vì thế, vấn đề đặt ra là liệu có thể tạo ra áp lực đủ lớn với Trung Quốc trong cuộc đàm phán này hay không? Nếu các quốc gia ASEAN đoàn kết trước những quan điểm và bước đi đơn phương của Trung Quốc, điều này là có thể. Trung Quốc luôn muốn đàm phán với từng quốc gia riêng lẻ về biên giới lãnh thổ, vì các quốc gia Đông Nam Á luôn ở vị thế yếu so với sức mạnh của Trung Quốc. Khi buộc được Trung Quốc phải tham gia vào quá trình đàm phán đa phương thì đó là một thành công của ASEAN, với vai trò một “mỏ neo” giữ vững sự ổn định trong khu vực Đông Nam Á.

PV: Thưa Giáo sư, nhóm Bạn bè của UNCLOS (UNCLOS Friends Group) được thành lập theo sáng kiến của Đức và Việt Nam, tới nay đã có sự tham gia của 115 nước. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của nhóm này trong thực thi UNCLOS, DOC cũng như thúc đẩy đàm phán về Bộ quy tắc về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC)?

Theo tôi, những sáng kiến và cơ chế hợp tác như nhóm Bạn bè của UNCLOS rất có ý nghĩa và cần thiết trong việc thực thi UNCLOS. Con số 115 quốc gia tham gia nhóm cho tới nay cho thấy điều này. Rõ ràng, các quốc gia đánh giá cao sáng kiến và sẵn sàng tham gia vào nhóm. Về phía Đức, chính phủ Đức luôn nhấn mạnh vai trò của UNCLOS và luật pháp quốc tế nói chung trong giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế. Tất cả các quốc gia khác ven biển Đông cũng đều chủ trương giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển. Những điều này góp phần gây áp lực nhất định với Trung Quốc, khiến họ phải đàm phán, ví dụ như trong khuôn khổ COC, vì họ luôn coi mình là một cường quốc thiện chí muốn tránh các xung đột quân sự, giải quyết hòa bình tranh chấp với các quốc gia khác.

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư./.

BND

Aufrufe: 359

Related Posts