Berlin (EAST SEA) Thứ Hai, Tháng Tư 3rd, 2023 / 09:33

Liệu Mỹ có thể thiết lập lại chính sách ngoại giao mang tính xây dựng với Trung Quốc?

Các nỗ lực xây dựng nền tảng cho quan hệ Mỹ-Trung vẫn chưa thành công và những tháng tới có thể sẽ là thời điểm quyết định liệu Mỹ có thể thiết lập lại chính sách ngoại giao mang tính xây dựng với Bắc Kinh hay không.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc về việc Tổng thống Đài Loan dừng chân tại Mỹ, Kurt Campbell, điều phối viên của Mỹ về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cho biết Washington đã nói rõ với Bắc Kinh về sự sẵn sàng tiến hành thêm một cuộc điện đàm khác giữa Tổng thống Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Campbell nói rằng Trung Quốc đã “miễn cưỡng tham gia các cuộc thảo luận xung quanh việc xây dựng lòng tin hoặc truyền thông trong khủng hoảng, hoặc về đường dây nóng” và đây sẽ là một “bước đi có trách nhiệm” nhằm đạt được các cơ chế này, bởi các lực lượng quân sự của Trung Quốc và Mỹ hoạt động gần nhau. Ông nói thêm: “Chúng tôi đã thiết lập những cơ chế đó trong Chiến tranh Lạnh. Chúng tôi nghĩ rằng chúng phù hợp với thời điểm hiện tại”.


Ông Campell cũng đánh giá Mỹ đang ở giai đoạn đầu của một thời kỳ mới trong quan hệ cạnh tranh với Trung Quốc. Đề cập các ưu tiên của Mỹ khi Tổng thống Biden và nhà lãnh đạo Tập Cận Bình gặp gỡ tại Bali tháng 11/2022, ông nói: “Cũng cần thừa nhận rằng trong nhiều khía cạnh, những nỗ lực của chúng tôi nhằm xây dựng nền tảng cho mối quan hệ và hàng rào bảo vệ vẫn chưa thành công… Chúng ta có thể thấy rõ hơn trong những tháng tới có hay không khả năng thiết lập lại chính sách ngoại giao mang tính xây dựng, hiệu quả, có thể dự đoán được giữa Mỹ và Trung Quốc”.


Rõ ràng trong bối cảnh tình hình Đài Loan nảy sinh nhiều yếu tố mới, “thành công” hay không là câu hỏi rất khó đoán định.


Theo lịch trình dự kiến, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn quá cảnh tại thành phố New York (Mỹ), khi trên đường tới thăm Guatemala và Belize; sau đó ngày 5/4, bà sẽ tiếp tục quá cảnh thành phố Los Angeles khi trên đường trở về Đài Loan.


“The Washington Post” ngày 29/3 bình luận chuyến đi này của bà Thái Anh Văn có thể đưa quan hệ Mỹ-Trung vào một cuộc khủng hoảng mới. Tại hai địa điểm quá cảnh, bà Thái Anh Văn đều có các hoạt động tiếp xúc với quan chức cấp cao của Mỹ. Vụ việc này khiến người ta nhớ lại sự kiện cựu lãnh đạo Đài Loan Lý Đăng Huy về thăm trường cũ là Đại học Cornell (New York) năm 1995. Đáp trả hành động của Lý Đăng Huy khi đó, Trung Quốc đã phản ứng bằng cách tổ chức hàng loạt cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật, thử tên lửa hướng về phía đảo Đài Loan, gây ra cuộc khủng hoảng Eo biển Đài Loan lần thứ ba, đồng thời kịch liệt lên án và tố cáo Mỹ phản bội chính sách “Một Trung Quốc”.


Việc Tổng thống Thái Anh Văn quá cảnh Mỹ lần này có thể cũng dẫn tới một cuộc khủng hoảng mới, nhất là khi quan hệ Mỹ-Trung đang ở mức thấp. Cả Mỹ và Trung Quốc đều nhận thức rõ ràng về rủi ro tính toán sai lầm từ một trong hai phía – nhất là trong vấn đề Đài Loan, đều có thể dẫn tới khả năng đối đầu quân sự với hậu quả nghiêm trọng khôn lường.


Trước khi Tổng thống Thái Anh Văn lên đường đi thăm hai đồng minh ở khu vực Trung Mỹ, Trung Quốc đã đe dọa trừng phạt nếu Thái Anh Văn gặp Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Văn phòng các Vấn đề Đài Loan của Quốc vụ viện Trung Quốc đã tuyên bố cuộc gặp là một hành động khiêu khích trắng trợn, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc “Một Trung Quốc”, gây tổn hại chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, đồng thời “phá hoại hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan”.


Chuyến đi của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã được cơ quan liên quan hai bên tính toán kỹ càng về mặt kỹ thuật. Trước chuyến đi, bà Thái Anh Văn cũng đã gửi thông điệp mạnh mẽ và khẳng định: “Áp lực bên ngoài không thể cản trở quyết tâm vươn ra thế giới của Đài Loan”. Phía Mỹ cũng đã cố gắng hạ thấp kỳ vọng để đảm bảo an toàn cao nhất cho cả Mỹ và Đài Loan.


Với chiến dịch gây áp lực toàn cầu đối với Đài Loan, Trung Quốc đang siết chặt không gian quốc tế của hòn đảo này. Các đối tác bạn bè của Đài Loan ở châu Mỹ đã lần lượt cắt đứt quan hệ với Đài Loan để chuyển sang Trung Quốc, trường hợp mới nhất là Honduras.


Tuy nhiên, theo Viện Đức tại Đài Bắc, xét ở góc độ quốc tế, dù Trung Quốc gia tăng áp lực trong vấn đề Đài Loan, số lượng các chuyến thăm cấp Bộ trưởng đến Đài Loan của Đức, Nhật Bản vẫn tăng lên trong những năm qua. Theo thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2023, các phái đoàn nghị sĩ của Anh, Thụy Sĩ, Phần Lan, Tây Ban Nha, Kosovo, Romania và Litva đều đã lần lượt đến thăm Đài Loan; riêng Đức và Séc còn cử thêm các đoàn quan chức cấp Bộ trưởng đương chức tới thăm Đài Loan. Các phái đoàn đến Đài Loan đều nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ “đối tác cùng chí hướng” với Đài Loan./.

Theo BBC

Aufrufe: 184

Related Posts