Berlin (EAST SEA) Thứ Tư, Tháng Tư 5th, 2023 / 10:33

Điều gì ẩn sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Pháp Macron

Ngày 5/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bắt đầu chuyến công du tới Trung Quốc, với hy vọng ngăn Bắc Kinh ủng hộ cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine nhưng sẽ không cô lập đối tác-đối thủ thương mại và địa chính trị quan trọng này.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại một sự kiện ở Savines-Le-Lac, Pháp, ngày 30/3/2023. Ảnh: AFP


Một quan chức từ văn phòng của Macron nói hôm 31/4: “Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới có khả năng tác động ngay lập tức và triệt để đến cuộc xung đột, bằng cách này hay cách khác”. Quan chức này cho biết thêm ông Macron sẽ tìm cách giữ vững lập trường về vấn đề Ukraine nhưng sẽ chọn “cách diễn đạt khác” thay vì giọng điệu đối đầu trực tiếp thường thấy từ Washington.


Mục tiêu của nhà lãnh đạo Pháp bao gồm duy trì và tái cân bằng quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu cũng như bảo vệ lợi ích của Pháp ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương – nơi Paris tự coi mình là một bên tham gia vì họ có các lãnh thổ hải ngoại và triển khai các hoạt động quân sự tại đây.


Nhà Trắng cho biết trước khi tới Bắc Kinh, ông Macron đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden để thảo luận về chuyến thăm Trung Quốc và sự ủng hộ dành cho Ukraine. Theo một nguồn tin ngoại giao Pháp, hai nhà lãnh đạo muốn Trung Quốc giúp “đẩy nhanh” việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc chiến. Nguồn tin này cho biết cuộc điện đàm cho thấy “ý chí chung của Pháp và Mỹ là lôi kéo Trung Quốc nhằm đẩy nhanh việc kết thúc chiến tranh ở Ukraine và xây dựng một nền hòa bình lâu dài”. Hai tổng thống cũng hy vọng “Trung Quốc đóng góp cho nỗ lực toàn cầu vì sự đoàn kết Bắc-Nam” và xây dựng “một chương trình nghị sự chung” về khí hậu và đa dạng sinh học.


Tình bạn ‘không giới hạn”


Rõ ràng chuyến thăm của Macron có tác động vượt ra ngoài nước Pháp và ảnh hưởng đến toàn bộ Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 quốc gia thành viên, điều này thể hiện qua sự xuất hiện của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen trong chuyến công du của Tổng thống Pháp. Hôm 3/4, bà đã gặp Tổng thống Macron ở Paris để phối hợp chuẩn bị cho chuyến công du. Trong một bài phát biểu hồi tuần trước, bà Von der Leyen đã cảnh báo Bắc Kinh không nên trực tiếp ủng hộ cuộc chiến, đồng thời bác bỏ khả năng khối này “xa lánh” Trung Quốc. Chuyên gia Antoine Bondaz của Tổ chức Nghiên cứu Chiến lược (FRS) có trụ sở tại Paris cho rằng châu Âu sẽ không ngăn cản Tập Cận Bình cung cấp vũ khí cho Nga với giọng điệu “nhẹ nhàng rằng ông ta không nên làm những gì”. Thay vào đó, Bondaz dự đoán các nhà lãnh đạo Pháp và EC sẽ công khai cảnh báo lãnh đạo Trung Quốc về việc cung cấp vũ khí cho Moskva trong khi đưa ra lời đe dọa trừng phạt trong các cuộc đàm phán với Tập Cận Bình.


Trung Quốc đã nỗ lực thể hiện họ đang tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc tấn công của Nga vào quốc gia láng giềng. Tuy nhiên, chuyến thăm của Tập Cận Bình tới Moskva hồi tháng 3 vừa qua và việc công bố một kế hoạch hòa bình được coi là nghiêng về phía Nga đang làm dấy lên sự hoài nghi ở các nước phương Tây. Bà Von der Leyen tuần trước đã phàn nàn rằng “không những không bị gián đoạn bởi cuộc xâm lược tàn bạo và bất hợp pháp của Nga vào Ukraine, Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn duy trì ‘tình bạn không giới hạn’ với nước Nga của (Tổng thống Vladimir) Putin” – nhắc lại một cụm từ được đưa ra ngay trước khi Nga phát động cuộc tấn công xâm lược vào Ukraine hồi tháng 2/2022. Bà nói thêm: “Cách Trung Quốc tiếp tục tương tác với cuộc chiến của Putin sẽ là yếu tố quyết định cho quan hệ EU-Trung Quốc trong tương lai”.


Trong EU, các cường quốc kinh tế như Pháp và Đức coi việc duy trì thương mại với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu, trong khi các quốc gia ở phía Đông – gần với biên giới Ukraine hơn và có ký ức đen tối về sự chiếm đóng của Nga – muốn tăng áp lực lên Bắc Kinh liên quan cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Francois Godement, chuyên gia về châu Á tại viện nghiên cứu Institut Montaigne, cho rằng Macron và người đứng đầu EC sẽ đặt “nhấn mạnh vào việc giảm thiểu rủi ro thay vì cô lập (Trung Quốc)”. Ông nói thêm rằng hai nhà lãnh đạo này sẽ tìm cách “phản ứng nhẹ nhàng nhưng thiết thực” trước những mâu thuẫn với Bắc Kinh mà “không xúc phạm đến tương lai của Trung Quốc”, vì có vẻ Tập Cận Bình đang củng cố chắc chắn vị thế lãnh đạo.


Trung tâm đầu não


Tổng thống Macron sẽ dẫn đầu một phái đoàn gồm khoảng 60 nhà lãnh đạo doanh nghiệp đến Bắc Kinh, bao gồm cả các chủ tịch và giám đốc điều hành (CEO) của Airbus và EDF – một số người hy vọng sẽ ký được những hợp đồng mới béo bở. “Chúng tôi không muốn cắt đứt quan hệ kinh tế, xã hội, chính trị và khoa học” với Trung Quốc, bà Von der Leyen nói, mặc dù Brussels cũng như Paris đều hy vọng sẽ “tái cân bằng” mối quan hệ thương mại “trên cơ sở minh bạch, có thể dự đoán và có đi có lại”. Ngày 7/4, Tổng thống Macron sẽ tới Quảng Châu, miền Nam Trung Quốc, để nói chuyện với các sinh viên địa phương.
Ông Macron cũng sẽ để mắt đến “dấu chân” của Pháp trên khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Khoảng 1,6 triệu công dân cư trú tại các vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp, từ đảo La Reunion ngoài khơi bờ biển phía Đông Madagascar đến New Caledonia ở phía Đông Bắc Australia và hàng chục hòn đảo ở Thái Bình Dương của Polynesia thuộc Pháp.


Cedric Perrin, đồng tác giả của một báo cáo của Thượng viện Pháp về khu vực, cho biết nhờ dân số đông đúc, tài nguyên thiên nhiên phong phú và sức mạnh kinh tế, châu Á-Thái Bình Dương đã trở thành “trung tâm đầu não của hành tinh”. Pháp hy vọng khu kinh tế rộng lớn và 7.000 binh sĩ được triển khai có thể giúp họ có chỗ tại bàn đàm phán trong trường hợp căng thẳng gia tăng ở khu vực, bao gồm Bán đảo Triều Tiên và xung đột Trung-Mỹ liên quan vấn đề Đài Loan./.

Theo AFP

Aufrufe: 202

Related Posts