Berlin (EAST SEA) Thứ Tư, Tháng Tư 5th, 2023 / 10:22

Thách thức với vùng châu thổ sông Mekong

Khi các thủ tướng, nhà ngoại giao và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và tài chính tập trung tại thủ đô Viêng Chăn (Lào) để tham dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong (MRC) lần thứ tư trong tuần này, việc chuyển trọng tâm của các cuộc thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị, từ nước sông sang những gì chảy dưới mặt sông là một nhu cầu cấp thiết. Nếu không làm như vậy sẽ dẫn đến nhiều quyết định không tính đến mối đe dọa lớn nhất đối với tương lai của châu thổ sông Mekong (gọi là Đồng bằng sông Cửu Long). Đó là lượng cát ở lòng sông giảm mạnh.

Một đoạn sông Mekong. (Nguồn: luxurycruisemekong.com)

Với độ cao trung bình dưới một mét so với mực nước biển, Đồng bằng sông Cửu Long đã là một trong những nơi dễ bị tổn thương nhất trên Trái Đất trước biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc mất lượng bùn và cát đang làm suy yếu nghiêm trọng sự ổn định và khả năng phục hồi của Đồng bằng sông Cửu Long, làm tăng mối đe dọa từ lũ lụt, hạn hán và bão ngày càng trầm trọng cũng như mực nước biển dâng. Ngoài ra, lượng trầm tích trên sông Mekong giảm cũng đang gây ra nhiều vấn đề cấp bách hơn, góp phần làm giảm mạnh mực nước ngầm và hút nước mặn vào sâu hơn trong đất liền – gây nguy hiểm cho một trong những vựa lúa năng suất cao nhất thế giới và sinh kế của hàng triệu người.


Các đập thủy điện và nạn khai thác cát không bền vững là nguyên nhân dẫn đến xu hướng tai hại này. Do vậy, điều cần thiết là đảo ngược những tổn thất này và đảm bảo đủ lượng trầm tích trong sông. Để bảo tồn vùng châu thổ sông Mekong cần tự động bổ sung trầm tích mới cho đất để giữ cho vùng này cao hơn mực nước biển dâng và duy trì các bãi cát ngoài khơi để bảo vệ bờ biển và rừng ngập mặn trước những cơn sóng ngày càng hung dữ.


Châu thổ sông Mekong đã mất hơn 2/3 lượng trầm tích tự nhiên và lượng trầm tích sẽ chỉ còn dưới 3% vào năm 2040. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần của câu chuyện vì chỉ xét đến lượng trầm tích lơ lửng trong nước sông vốn dễ theo dõi hơn. Không có dữ liệu đáng tin cậy về lượng cát còn lại ở đáy sông bởi có thể mất hàng thập kỷ mới đi hết được chiều dài của sông Mekong. 


Nếu hoạt động khai thác cát không bền vững như hiện nay vẫn được tiếp tục, thì trữ lượng cát có thể khai thác ở sông Mekong sẽ cạn kiệt trong vòng 10 năm, gây phương hại cho các hoạt động phát triển phụ thuộc vào cát cũng như sự tồn tại của Đồng bằng sông Cửu Long. 


Tác động của việc khai thác cát ở sông Mekong cũng đã được cảm nhận ở thượng nguồn sông ở Campuchia, Lào và Thái Lan. Việc đáy sông Mekong bị sụt do hoạt động khai thác cát, đang làm xói mòn bờ sông, làm giảm nguồn nước phục vụ cho nông nghiệp và ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt cá tự nhiên có năng suất, thiên nhiên cũng như chuỗi cung ứng dệt may và điện tử quan trọng trên toàn cầu. Các quốc gia này cũng cần đảm bảo đủ lượng cát còn lại ở sông Mekong. 


Vấn đề có quy mô toàn lưu vực sông Mekong này chỉ có thể được giải quyết thông qua sự hợp tác giữa các quốc gia và hành động tập thể.


Cát từ mọi nguồn chảy qua sông Mekong ra biển. Đây là nguồn tài nguyên quý giá được chia sẻ giữa các quốc gia ven sông, trở thành một vấn đề quản trị dòng sông xuyên biên giới – và là vấn đề trọng tâm đối với nhiệm vụ của MRC. Hội nghị cấp cao MRC lần thứ tư đã nhấn mạnh rằng có cơ sở pháp lý cho sự hợp tác giữa các quốc gia và rằng ủy ban là nền tảng để đối thoại và giải quyết các vấn đề cũng như cho việc lập kế hoạch lưu vực chủ động chung. Đây là những bước đi đúng hướng cần được thực hiện, trong đó cần ưu tiên việc đảo ngược các tác động tiêu cực của việc khai thác cát trên sông Mekong và đối với người dân trong các cộng đồng ven sông.

Kết quả của hội nghị phải là lộ trình dẫn đến sự bền vững. Điều quan trọng là các nhà lãnh đạo cần cân nhắc kỹ lưỡng và coi trọng cát không chỉ là nguyên vật liệu cơ bản miễn phí cho hoạt động xây dựng mà còn là tài sản mang lại lợi ích vô giá cho sông và bờ biển, cộng đồng và thành phố, con người và thiên nhiên. Các nhà lãnh đạo cần kiến thức và công cụ hỗ trợ cho việc ra quyết định về những nơi nào cần cát nhất như trong các tòa nhà, bãi chôn lấp hoặc trên sông. Các nhà lãnh đạo cần biết những gì khác thay thế cát để đáp ứng nhu cầu như vật liệu thay thế, cát nhân tạo, tái chế và khai thác cát từ các nguồn khác bền vững hơn. Tất cả điều này phải được xem xét trong khuôn khổ một bức tranh lớn hơn. Đó là việc duy trì cát ở sông Mekong có thể là chiến lược thích ứng khí hậu hiệu quả nhất về chi phí của khu vực, một cách tích cực tự nhiên để xây dựng khả năng phục hồi.


Rõ ràng là nếu không giải quyết được vấn nạn khai thác cát hiện nay, chúng ta sẽ chứng kiến Đồng bằng sông Cửu Long chìm dưới những con sóng. Đồng bằng cần cả bùn và cát. Do vai trò cụ thể của cát không được hiểu và đánh giá đúng nên khả năng phục hồi và sự tồn tại lâu dài của sông Mekong đã bị “hy sinh” vì lợi ích ngắn hạn. Các nước có thể ngừng hoạt động khai thác cát không bền vững và để sông Mekong làm việc cho mình. Các nước cần vạch ra một lộ trình mới hướng tới sự phát triển toàn diện, kiên cường và bền vững – một lộ trình mà các quyết định có tính đến giá trị của một dòng Mekong khỏe mạnh và những lợi ích đa dạng mà dòng sông mang lại cho con người và thiên nhiên./.

BND

Aufrufe: 184

Related Posts