Berlin (EAST SEA) Thứ Bảy, Tháng Tám 12th, 2023 / 23:30

Kiev đòi tên lửa hành trình tầm trung Taurus – Berlin chần chừ

Taurus là tên lửa hành trình tầm trung không đối đất của Đức và Thuỵ Điển cộng tác chế tạo có tên đầy đủ là “Target Adaptive Unitary and Dispenser Robotic Ubiquity System“.

Tên lửa hành trình Taurus dài 5 mét và nặng gần 1.400 kg. Nó được trang bị động cơ riêng và nhiều hệ thống định vị cho phép bay tự động ở tầm thấp qua lãnh thổ của đối phương. Điều này có nghĩa, trong chiến tranh tên lửa hành trình có thể được máy bay chiến đấu như “Tornado” hay “Eurofighter“ phóng từ một khoảng cách an toàn tấn công và tiêu diệt các mục tiêu cách xa tới 500 km.Taurus có thể bay rất thấp ở độ cao dưới 100 m và tương đối nhỏ nên chúng rất khó bị hệ thống phòng không của đối phương phát hiện và bắn trúng. Bộ Quốc phòng Đức đã có hệ thống vũ khí “Taurus” này từ năm 2005. Nhà sản xuất là 1 công ty con của tập đoàn vũ khí MBDA.

Tên lửa hành trình “Taurus” là sản phẩm được Đức và Thụy Điển cộng tác sản xuất để làm đối trọng đối với tên lửa hành trình “Storm Shadow” và “Scalp” do Anh-Pháp phát triển cùng thời.

Liệu Ukraine đã có tên lửa hành trình?

Vào giữa tháng 5, Vương quốc Anh là quốc gia đầu tiên tuyên bố sẽ cung cấp cho Ukraine các tên lửa hành trình “Storm Shadow”. Tiếp theo là Pháp vào tháng 7, tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh NATO rằng, sẽ cấp tên lửa hành trình Scalp nhưng không tiết lộ số lượng. Cả hai phiên bản đều có phạm vi hoạt động khoảng 250 km. Rất có thể những tên lửa này đã được cải tiến để có thể phóng được bằng máy bay chiến đấu „không phải của phương Tây“ mà Ukraine đang sở hữu.

Nếu Đức cung cấp các hệ thống “Taurus” cho Ukraine, thì hệ thống này cũng sẽ phải được cải tiến tương thích về mặt kỹ thuật và điều đó có thể mất rất nhiều thời gian, bởi vì ngay cả khi Ukraine nhận được máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ, thì “Taurus” cũng không thể triển khai được nếu không có những sửa đổi kỹ thuật.

Với các tên lửa hành trình “Storm Shadow” và “Scalp”, các mục tiêu như trụ sở của Hải quân Nga ở Sevastopol, kho chứa ở Crimea, các cây cầu, cũng như các mục tiêu ở các thành phố của Nga gần biên giới đều có thể bị Ukraine tấn công. Tuy nhiên, London và Paris đã nói rõ rằng, Ukraine chỉ nên sử dụng vũ khí để bảo vệ lãnh thổ của mình. Có những báo cáo chưa được xác nhận trên mạng xã hội rằng, một kho sửa chữa phương tiện quân sự của Nga ở Crimea đã bị phá hủy với sự trợ giúp của “Storm Shadows”.

Tại sao chính phủ Liên bang lại do dự với việc chuyển giao “Taurus”?

Một số chính trị gia về quốc phòng tại quốc hội Đức cho rằng, 150 trong số 600 tên lửa hành trình “Taurus” của không quân Đức hiện vẫn đang hoạt động và họ hy vọng rằng 450 chiếc còn lại có thể được nhà sản xuất MBDA đưa vào hoạt động trở lại để cấp cho Ukraine. Như vậy, sau hai cường quốc hạt nhân châu Âu là Anh và Pháp, Đức cũng có thể vận chuyển “Taurus” tới Ukraine. Chính phủ Liên bang sẽ chỉ còn mỗi việc là „đồng ý“, bởi vì Đức „không làm một mình“ điều mà Thủ tướng Olaf Scholz liên tục viện cớ để tránh. Nhưng, kể từ khi yêu cầu của Ukraine vào tháng 5, Thủ tướng Scholz và Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius vẫn do dự trong việc đưa ra cam kết, lý do là với tầm hoạt động lớn của hệ thống “Taurus” Ukraine hoàn toàn có thể dễ dàng tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga.

Rõ ràng, người ta vẫn sợ kịch bản đó vào lúc này. Đặc biệt là khi Ukraine gần đây đã mở rộng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái cả vào các mục tiêu dân sự ở Moscow. Cho nên khi nói đến khả năng giao “Taurus”, Bộ trưởng Quốc phòng Pistorius cho biết “chưa đến lúc đưa ra quyết định”.

Điều thú vị là trong bối cảnh này Mỹ, với tư cách là nhà hỗ trợ quân sự lớn nhất của Ukraine, vẫn chưa chuyển giao bất kỳ loại vũ khí nào có tầm bắn tương đương. Cho đến nay, Mỹ vẫn miễn cưỡng cung cấp tên lửa “Atacms” cho Ukraine. Bởi vì ngay cả với những tên lửa có tầm bắn 300 km này, các cuộc tấn công vào các mục tiêu ở sâu trong lãnh thổ Nga vẫn có thể xảy ra. Tờ “New York Times” hồi giữa tháng 7 cũng đưa tin rằng, Tổng thống Mỹ Joe Biden lo ngại chiến tranh leo thang hơn nữa. Chính vì Mỹ trong quá khứ nhiều lần suy đi tính lại mà dẫn đến việc Đức phải tham gia vào chuyển giao vũ khí.

Đức đóng vai trò gì trong việc giao vũ khí cho Kiev?

Theo Viện Kinh tế Thế giới (IfW) tại Kiel, Đức cho đến nay là nhà tài trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine, tính trên con số tuyệt đối – sau Mỹ. Khoảng 5,4 tỷ Euro đã được giải ngân từ tháng 1 đến cuối tháng 7 năm 2023. Nằm trong gói viện trợ là, xe tăng chiến đấu “Leopard”, xe chiến đấu bộ binh “Marder”, tàu chở quân, xe tăng phòng không “Gepard”, các hệ thống phòng không và đạn dược cực kỳ hiện đại khác.

Lê Hoàng tổng hợp

Nguồn:

https://www.tagesschau.de/inland/innenpolitik/marschflugkoerper-taurus-102.html

Aufrufe: 63

Related Posts