Berlin (EAST SEA) Thứ Bảy, Tháng Ba 9th, 2024 / 11:27

Đơn phương công bố Đường cơ sở trên Vịnh Bắc Bộ – hành động sai trái của TQ

Hôm 7/3 Trung Quốc bất ngờ công bố Đường cơ sở trên Vịnh Bắc Bộ mà không hề bàn bạc, trao đổi với Việt Nam thì đây rõ ràng là một hành động tùy tiện, sai trái, bởi nó không tuân thủ Công ước quốc tế về luật biển.

Việc vạch ra hệ thống đường cơ sở là nhằm tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa, đường cơ sở của các hải đảo, quần đảo xa bờ, của các quốc gia có chủ quyền. Do vậy, vấn đề hệ trọng này thường có sự khác nhau, dẫn tới hình thành nên các vùng chống lấn to nhỏ khác nhau.

Đường cơ sở là đường ranh giới phía trong của lãnh hải và là ranh giới phía ngoài của nội thủy, do nước ven biển quy định trên cơ sở phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOC-năm 1982). Đây chính là căn cứ để xác định phạm vi, chiều rộng của lãnh hải và các vùng biển khác như vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế.

Đương nhiên, không phải quốc gia nào cũng tự ý mình “vẽ” ra được. Vậy mà, trên trang chủ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi đầu tháng 3/2024 đã công bố “7 điểm để hình thành đường cơ sở tại Vịnh Bắc Bộ”. Không ai còn lạ gì đây là vùng biển Việt Nam và Trung Quốc cùng chia sẻ quyền lợi chung.

Cái đường cơ sở quái dị này chưa từng tồn tại trong lịch sử. Vậy mà Bắc Kinh không rõ vì lý do gì quyết định công bố vào thời điểm này – thời điểm mà quan hệ hai nước đang có nhiều dấu ấn tốt đẹp.

Gần 30 năm trước, vào ngày 15/5/1996, Bắc Kinh đã công bố “49 điểm cơ sở cho vùng biển từ đảo Hải Nam đến Thanh Đảo” (không có điểm nào chung ở Vịnh Bắc Bộ). Vào năm 2000, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ, với lằn ranh rõ ràng để đường cơ sở mới không gây hại nhiều đến quyền lợi kinh tế của Việt Nam, miễn là Bắc Kinh không yêu cầu đàm phán lại.

Tưởng mọi tranh chấp đã được gác lại. Bỗng dưng một ngày xấu trời, Trung Quốc đã lại giở con bài đường cơ sở. Sự tùy tiện ở chỗ, họ không hề bàn bạc với Việt Nam. Một số điểm cơ sở mà Trung Quốc công bố cách bờ quá xa, vi phạm nghiêm trọng Luật biển của Liên hợp quốc.

Tạm gọi là “Đường cơ sở mới” mà Trung Quốc công bố chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động tự do hàng hải, lắp đặt cáp và đường ống dưới biển, cũng như hoạt động cải tạo đảo của Việt Nam. Theo Giáo sư Carl Thayer – Học viện Quốc phòng Australia – Đường cơ sở mới của Trung Quốc vừa vạch ra “dường như quá mức”. Nó sẽ dẫn đến tình trạng chồng lấn lớn hơn của vùng đặc quyền kinh tế của Hoa Lục với đường trung tuyến và khu vực đánh cá chung mà hai bên đã thống nhất tại Vịnh Bắc Bộ.

Thưa các nhà “thiết kế” biển Trung Quốc, các ngài đã sai rồi! Theo quy định tại điều 5 và điều 7 của Công ước, các quốc gia ven biển (không phải là quốc gia quần đảo) có hai loại đường cơ sở là đường cơ sở thông thường và đường cơ sở thẳng.

Đường cơ sở thông thường là ngấn nước thủy triều thấp nhất dọc theo bờ biển. Còn nơi nào bờ biển bị khoét sâu và lồi lõm hoặc nếu có một chuỗi đảo nằm sát ngay và chạy dọc theo bờ biển; hoặc bờ biển cực kỳ không ổn định do có sự hiện diện của các châu thổ hoặc các đặc điểm tự nhiên khác, thì áp dụng phương pháp đường cơ sở thẳng. Đường cơ sở này nối liền các điểm thích hợp để có thể sử dụng để vạch đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.

Cần lưu ý, đường cơ sở thẳng phải đáp ứng hai điều kiện quy định trong Công ước, đó là “tuyến các đường cơ sở thẳng không được đi chệch quá xa hướng chung của bờ biển” và các vùng biển ở bên trong các đường có sở này phải gắn với đất liền đủ đến mức đạt được chế độ nội thủy (khoản 3 điều 7).

Căn cứ theo Công ước, căn cứ theo địa hình bờ biển Việt Nam, đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam, ngày 12/11/1982, Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam. Theo đó, “đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của lục địa Việt Nam là đường thẳng gãy khúc nối liền các điểm có toạ độ ghi trong phụ lục kèm theo Tuyên bố này”.

Điều 8 của Luật Biển Việt Nam quy định: “Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam là đường cơ sở thẳng đã được Chính phủ công bố. Chính phủ xác định và công bố đường cơ sở ở những khu vực chưa có đường cơ sở sau khi được Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn”.

Xem ra “ván đã đóng thuyền” hơn 40 năm nay. Nếu có gì cần điều chỉnh thì hai bên cần đàm phán, tiến hành hoạch định theo những nguyên tắc nhất định, tùy theo chế độ pháp lý của từng vùng biển và thềm lục địa do Công ước quy định. Thế nhưng, Bắc Kinh đã không đếm xỉa gì đến việc thương thuyết, cứ như Vịnh Bắc Bộ là của riêng họ.

Đến hiện tại chưa thấy Hà Nội có phản ứng gì. Nhưng chắc chắn trong vài ngày tới Bộ Ngoại giao nước này sẽ phải lên tiếng về đường cơ sở vô lối trên biển do Bắc Kinh vừa công bố tại Vịnh Bắc Bộ. Bởi đây là trò lố, không thể “cả vú lấp miệng em” như thế được.

BDN

Aufrufe: 100

Related Posts