Berlin (EAST SEA) Thứ Ba, Tháng Ba 12th, 2024 / 15:28

Ukraine là nguồn cung thiết bị quốc phòng quan trọng của TQ

Theo báo cáo của một tổ chức tư vấn Thụy Điển, bất chấp xung đột, Ukraine vẫn là nguồn cung cấp thiết bị quốc phòng lớn thứ ba của Trung Quốc. Mặt hàng nổi bật là tua-bin khí cho các tàu khu trục và động cơ cho máy bay chiến đấu/huấn luyện hạng nhẹ L-15.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố ngày 11/3 cho biết, nhập khẩu vũ khí của Trung Quốc trong giai đoạn 2019-2023 giảm 44% so với 5 năm trước đó, đưa nước này đứng ở vị trí thứ 10 trong danh sách những quốc gia nhập khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới.

Nga cung cấp 77% nhu cầu của Trung Quốc, bao gồm động cơ máy bay và hệ thống trực thăng, tiếp theo là Pháp với 13%.

Bất chấp xung đột, Ukraine vẫn là nguồn cung cấp lớn thứ ba của Trung Quốc với 8,2%, cung cấp tua-bin khí cho các tàu khu trục và động cơ cho máy bay chiến đấu/huấn luyện hạng nhẹ L-15 của Bắc Kinh.

SIPRI không cho biết lượng nhập khẩu vũ khí của Trung Quốc từ Nga và Ukraine thay đổi như thế nào sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đầu năm 2022. Các báo cáo trước đây của viện này cho biết, Ukraine chiếm 5,9% tổng lượng vũ khí nhập khẩu của Trung Quốc trong giai đoạn 2017-2021.

Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao của Chương trình chuyển giao vũ khí thuộc SIPRI, cho biết Nga không thể thay thế Ukraine trong cung cấp một số thiết bị nhất định cho Trung Quốc.

“Nga không sản xuất các loại tua-bin khí hoặc động cơ phản lực cho tàu và máy bay mà Trung Quốc thiết kế. Nga thực sự cũng phụ thuộc vào Ukraine về những động cơ tương tự cho tàu và máy bay huấn luyện/chiến đấu của họ”, Wezeman cho biết.

Báo cáo phân tích, sự sụt giảm nhanh chóng trong nhập khẩu vũ khí của Trung Quốc nhìn chung là nhờ khả năng thiết kế và sản xuất của ngành công nghiệp vũ khí nội địa.

Trung Quốc đã nội địa hóa một số hệ thống trong vài năm qua, như động cơ cho máy bay chiến đấu và vận tải mà họ nhập khẩu từ Nga hay động cơ tàu từ Ukraine, Pháp và Đức.

Báo cáo lưu ý không có dấu hiệu nào cho thấy cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine ảnh hưởng đến mua bán vũ khí giữa Kiev và Bắc Kinh.

“Cuộc xung đột khiến các công ty Ukraine gặp nhiều khó khăn hơn trong việc cung cấp cho Trung Quốc, điều này có thể tạo thêm động lực để Trung Quốc tự làm. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thấy rạn nứt chính trị giữa Ukraine và Trung Quốc ảnh hưởng đến quan hệ mua bán vũ khí”, báo cáo viết.

Nhìn chung, 6 trong số 10 nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong giai đoạn 2019–2023 tập trung ở châu Á và châu Đại Dương, gồm: Ấn Độ, Pakistan, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Ấn Độ đứng đầu danh sách với 9,8% lượng nhập khẩu vũ khí toàn cầu, tăng từ mức 9,1% trong giai đoạn 2014-2018, phần lớn là do căng thẳng với Pakistan và Trung Quốc.

Nhật Bản và Hàn Quốc cũng nhập khẩu vũ khí nhiều hơn, trong đó lượng mua của Tokyo tăng 155% và Seoul tăng 6,5%. Mỹ là nguồn cung cấp lớn nhất cho cả hai nước.

“Có rất ít nghi ngờ rằng lượng nhập khẩu vũ khí cao kéo dài của Nhật Bản cũng như các đồng minh và đối tác khác của Mỹ ở châu Á và châu Đại Dương phần lớn là do một yếu tố chính”, Wezeman đánh giá.

Trung Quốc chiếm 19% thị phần xuất khẩu vũ khí ở khu vực châu Phi cận Sahara, vượt qua Nga (17%) để trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho khu vực trong giai đoạn 2019-2023.

Các nước châu Âu gần như tăng gấp đôi lượng nhập khẩu vũ khí trong giai đoạn 2014-2018 và 2019-2023, với hơn một nửa số vũ khí do Mỹ cung cấp.

Ukraine trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất châu Âu và lớn thứ tư trên thế giới sau khi có ít nhất 30 quốc gia cung cấp viện trợ quân sự để giúp Kiev trong cuộc xung đột với Nga.

Dù chiến sự đang diễn ra ở Dải Gaza và Biển Đỏ, lượng vũ khí nhập khẩu của khu vực Trung Đông giảm 12% trong giai đoạn 2019-2023 so với 5 năm trước đó. Tuy nhiên, 3 quốc gia, gồm Ả-rập Xê-út, Qatar và Ai Cập, nằm trong top 10 quốc gia nhập khẩu vũ khí nhiều nhất.

Về xuất khẩu, Trung Quốc bán vũ khí cho 40 quốc gia, đứng thứ tư về thị phần toàn cầu với mức ổn định 5,8%, dù khối lượng xuất khẩu giảm 5,3%.

Pakistan mua 61% lượng vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc, tiếp theo là Bangladesh với 11% và Thái Lan 6%.

Xuất khẩu vũ khí toàn cầu của Mỹ tăng 17%, cung cấp cho 107 quốc gia trong 5 năm qua, nhiều hơn bất kỳ giai đoạn nào trước đó và nhiều hơn bất kỳ nhà xuất khẩu vũ khí nào khác. Thị phần chung của Mỹ đã tăng từ 34% lên 42%.

Pháp lần đầu tiên trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai với 11%, vượt qua Nga. Lượng xuất khẩu vũ khí của Nga giảm 53% trong giai đoạn 2014-2018 và 2019-2023.

Trung Quốc mua 21% lượng xuất khẩu của Nga, sau Ấn Độ với 34%.

BDN

Aufrufe: 30

Related Posts