Berlin (EAST SEA) Thứ Tư, Tháng Chín 16th, 2020 / 07:08

Điểm tin liên quan Biển Đông từ 1-15/9/2020

1. Chính sách Biển Đông của Mỹ

Ngày 3/9, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink khẳng định Mỹ từ lâu đã là một cường quốc ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, và những bước đi gần đây của Mỹ là cách Washington tiếp nối và điều chỉnh chính sách đã có từ lâu của mình.

2. Indonesia sẽ không làm căn cứ quân sự cho nước ngoài

Ngày 4/9, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi khẳng định rằng Indonesia sẽ không trở thành căn cứ quân sự cho bất kỳ nước nào, kể cả Trung Quốc. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ có báo cáo nói rằng Trung Quốc đang dự định xây dựng cơ sở hậu cần quân sự cho hải quân, không quân và bộ binh tại Indonesia.

3. Thái Lan xem xét việc xây dựng một tuyến đường có thể nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương

Bộ trưởng Giao thông vận tải Thái Lan Saksiam Chidchob cho biết Thái Lan đang xem xét việc xây dựng một tuyến đường có thể nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, thay vì phải đi qua eo biển Malacca – một trong những tuyến đường biển bận rộn nhất thế giới.

4. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc thăm và gặp một số lãnh đạo cấp cao của các nước ASEAN

Trong các ngày 7, 8, 9, 11/9, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã lần lượt có chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo cấp cao của Malaysia, Indonesia, Brunei, Philippines để trao đổi về vấn đề Biển Đông.

5. Phát biểu của các nước về Biển Đông tại Hội nghị AMM 53 và các Hội nghị liên quan:
– Ngoại trưởng Indonesia, bà Retno Marsudi cho biết, Indonesia yêu cầu các bên tôn trọng nguyên tắc quốc tế đã được công nhận, trong đó có UNCLOS 1982.
– Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thượng tôn pháp luật trong giải quyết các căng thẳng leo thăng và hành động quân sự hóa tại Biển Đông.

– Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha bày tỏ quan điểm nhất quán của Hàn Quốc ủng hộ tự do hàng hải và hàng không, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện cam kết phi quân sự hóa và hòa bình trên Biển Đông trong tình hình đại dịch COVID-19.

– Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi bày tỏ lo ngại về tình hình đang xấu đi trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.

– Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia Prak Sokhonn nhấn mạnh Campuchia mong muốn Biển Đông được duy trì là vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng; khuyến khích tất cả các bên thực thi đầy đủ và có hiệu quả DOC để tăng cường lòng tin; đồng thời tiếp tục đối thoại để tìm giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

– Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi các nước ASEAN phản đối yêu sách trên biển của Trung Quốc và xem xét lại quan hệ kinh doanh với các tập đoàn, công ty Trung Quốc “đang bắt nạt các nước ASEAN ven Biển Đông”.

6. Thông cáo chung Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 ngày 9/9/2020 có một số nội dung đề cập vấn đề Biển Đông:

– Khẳng định lại cam kết chung về duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, và ổn định khu vực, cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp, bao gồm tôn trọng các quá trình pháp lý và ngoại giao, không đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực, tuân thủ các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

– Nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì và thúc đẩy môi trường thuận lợi cho việc đàm phán COC, và hoan nghênh các biện pháp thực tiễn nhằm giảm thiểu căng thẳng và nguy cơ xảy ra các tai nạn, hiểu nhầm, tính toán nhầm.

– Bày tỏ quan ngại về việc bồi đắp, các hành động và sự việc nghiệm trọng tại khu vực đã làm xói mòn sự tin tưởng, tin cậy, gia tăng căng thẳng, và làm suy yếu hòa bình, an ninh, và ổn định khu vực.

– Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các nước có yêu sách và các nước khác, bao gồm cả các nước được đề cập trong DOC, không quân sự hóa và sự tự kiềm chế trong việc thực hiện các hành động có thể gây phức tạp hơn tình hình và leo thang căng thẳng tại Biển Đông.

7. Hội nghị Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 27 ngày 12/9/2020
Các Bộ trưởng tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; nhấn mạnh yêu cầu tự kiềm chế, không có các hành động phức tạp thêm tình hình, không quân sự hóa, giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982; ủng hộ việc triển khai hiệu quả và đầy đủ DOC, ASEAN-Trung Quốc sớm hoàn tất COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982; tái khẳng định UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên các vùng biển và đại dương.

8. Các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Ấn Độ và ASEAN-EU ngày 12/9/2020:
– EU nhấn mạnh cần tôn trọng luật pháp quốc tế, kiềm chế tránh các hành động gây căng thẳng, không quân sự hoá và ủng hộ các nỗ lực xây dựng luật lệ điều chỉnh các hành vi ứng xử tại khu vực

– Ấn Độ thông báo với các nước ASEAN về Sáng kiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; tiếp tục nhấn mạnh việc duy trì hòa bình, ổn định, không quân sự hóa, không gây phức tạp tình hình và tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.

9. Indonesia đã đuổi tàu hải cảnh Trung Quốc ra khỏi vùng biển phía Bắc Natuna
Ngày 12/9, tàu hải cảnh Trung Quốc số 5204, bị tàu tuần tra của Cơ quan An ninh Biển Indonesia Bakamla phát hiện vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia tại Biển Bắc Natuna thuộc quần đảo Riau. Bakamla đã phối hợp cùng Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan khác tiến hành đuổi tàu hải cảnh Trung Quốc ra khỏi vùng biển trên.

Ngày 13/9, Bộ Ngoại giao Indonesia tiếp tục liên hệ trực tiếp với Đại sứ quán Trung Quốc tại Indonesia để yêu cầu Trung Quốc giải thích về vụ việc trên, đồng thời ra tuyên bố bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn của Trung Quốc tại Biển Đông, cho rằng yêu sách này mâu thuẫn và đi ngược lại UNCLOS 1982″.

Ngày 15/9, Giám đốc Cơ quan An ninh hàng hải Indonesia, ông Aan Kurnia cho biết lực lượng Hải quân Indonesia sẽ tăng cường hoạt động tuần tra đảm bảo an ninh quanh quần đảo này.

10. Dư luận quốc tế về tình hình Biển Đông

– Phát biểu tại Hạ viện Anh, Nghị sĩ Andrew Bowie nói Bộ Quốc phòng Anh cần điều tàu sân bay tới Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và “đã đến lúc nước Anh cần hành động và đối mặt, phản đối yêu sách trên biển của Trung Quốc”. Tờ “Daily News” của Anh ngày 13/9 cũng đề cập đến khả năng Hải quân Anh triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới Biển Đông.

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Anh

– Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Malaysia Liew Chin Tong cho rằng Trung Quốc phải xem vấn đề biển với các nước Đông Nam Á là vấn đề ngoại giao ưu tiên số 1 của mình. Các chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tại một số nước ASEAN diễn ra ngay trước thềm Hội nghị AMM 53 khi có khá nhiều bất mãn của các nước đối với Trung Quốc về nhiều vấn đề như đập sông Mekong, Biển Đông…

– Bộ Quốc phòng Philippines đã đăng lên trang thông tin của mình về cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng nước này và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa, trong đó khẳng định lập trường rõ ràng, cứng rắn của Philippines về các vấn đề trên biển. Tuy nhiên, sau đó thông tin trên đã bị gỡ bỏ và thay thế bằng nội dung mới với giọng điệu mềm mỏng hơn.

– Ngày 8/9, trước tình hình các hành động quân sự gia tăng ở Biển Đông, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nói rằng ASEAN và Indonesia không muốn bị kẹt giữa Mỹ-Trung, và sẽ sẵn sàng là đối tác với tất cả.

– Tiến sĩ Balaz Szanto của Đại học Webster Thailand đánh giá Việt Nam đang giữ vai trò hết sức quan trọng với tư cách là một trong những bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Thông qua việc đảm nhận vai trò dẫn dắt ASEAN, Việt Nam có điều kiện thúc đẩy sự hình thành tiếng nói chung mạnh mẽ hơn, điều mà nhóm này thiếu trong những năm vừa qua. ASEAN sẽ có khả năng thúc đẩy một COC có hiệu lực và đưa vào áp dụng trên thực tế.

– Các nhà phân tích nhận định rằng dù các nước ASEAN đã đạt được sự đồng thuận và đoàn kết cao hơn về vấn đề Biển Đông, một số nước còn khá dè dặt trong những ngôn từ sử dụng trong văn kiện khối liên quan đến vấn đề này.

(Tham khảo: tienphong.vn, thejakartapost.com, tuoitre.vn, straitstimes.com, mofa.gov.kr, japantimes.co.jp, asean.org, reuters.com, vietnamplus.vn, smcp.com)

Aufrufe: 117

Related Posts